Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng
Nhu cầu nhân lực lớn nhưng xu hướng tuyển dụng đang có chiều hướng thay đổi mạnh mẽ nên để thành công, người lao động cần cải thiện nhiều yếu tố
Tại talkshow "Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng (NTD)", nhiều thông tin hữu ích về cách viết CV (sơ yếu lý lịch), kỹ năng tìm việc, hành trang cần chuẩn bị cho sinh viên (SV) sắp hoặc mới ra trường... đã được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhân sự chia sẻ. Chương trình nằm trong khuôn khổ "Ngày hội tuyển dụng tích hợp - Job Fair UFM" năm 2022, do Trường ĐH Tài chính - Marketing (UFM) tổ chức mới đây.
Nhu cầu nhân lực lớn
Tại chương trình, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực TP HCM (FALMI), cho biết sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kinh tế đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp (DN) triển khai nhiều chiến lược kinh doanh kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự rất lớn.
Đại diện một doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên tại “Ngày hội tuyển dụng tích hợp - Job Fair UFM” năm 2022
Theo FALMI, trong quý I/2022, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực dịch vụ (chiếm 69%), khu vực công nghiệp (29%), khu vực nông nghiệp (chiếm 0,88%). Trong đó, một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao như: công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 27% tổng nhu cầu nhân lực), gồm: điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí; hóa chất - nhựa cao su; chế biến lương thực - thực phẩm.
Ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 16,7% tổng nhu cầu nhân lực. Không chỉ trong ngắn hạn, qua khảo sát từ 3.000 DN, trong giai đoạn 2022-2026, hằng năm sẽ có từ 170.500 - 181.500 vị trí việc làm mới cần người lao động (NLĐ), riêng nhu cầu nhân lực bình quân hằng năm cần 310.000 - 330.000 chỗ làm việc. Trong đó nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 86,47% tổng nhu cầu nhân lực. Cụ thể, trình độ đại học trở lên chiếm 20,82%; cao đẳng 19,19%; trung cấp 27,58%; sơ cấp 18,88%. Nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm 13,53% tổng nhu cầu nhân lực.
"Điều này cho thấy thị trường lao động đã và đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao trong yêu cầu tuyển dụng của các DN" - ông Triết nhấn mạnh và cho biết thêm trong năm 2022, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 19,09%, trong đó ngành cơ khí 5,17%, sản xuất hàng điện tử 7,01%, chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống 3,42%, hóa dược - nhựa - cao su chiếm 3,49%. Từ thực tế trên có thể thấy, tại TP HCM đang cần một lượng lao động rất lớn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề vững.
Nhu cầu nhân lực lớn kéo theo mức thu nhập của NLĐ tại TP HCM cũng tăng lên đáng kể. Thông tin vừa được chuyên trang Việc Làm Tốt công bố cho thấy so với quý IV/2021, mức lương tháng 5-2022 của các nhà máy ở TP HCM liên tục tăng, đạt mức 9,8 triệu đồng/người mỗi tháng, vượt lên Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 9,4 triệu đồng/người và 9,2 triệu đồng/người.
Thái độ đóng vai trò then chốt
Cũng tại chương trình, nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và hành trang cần chuẩn bị để ứng viên có thể chinh phục các NTD đã được các chuyên gia chia sẻ đến các SV, NLĐ.
Dưới góc độ là NTD nhân sự ngành dịch vụ nói chung và nhà hàng - khách sạn nói riêng, bà Trịnh Huyền Trang, Giám đốc nhân sự khách sạn Pullman Vũng Tàu, nhìn nhận để chinh phục các NTD, điều kiện tiên quyết mà ứng viên cần nắm là "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Theo bà Trang, để gây ấn tượng với NTD, ứng viên cần có những bước chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Trong đó, hãy lưu ý rằng thái độ quyết định 70% sự thành công trong mọi công việc. "Điều này hình thành từ các chi tiết nhỏ như: cách viết CV, tìm hiểu về công ty, lịch hẹn phỏng vấn, trang phục, tác phong, thái độ gặp gỡ... Nếu hội tụ đủ những yếu tố trên, ứng viên sẽ sớm chinh phục được NTD" - bà Trang chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm của bà Trang, ông Phạm Phú Lâm, Giám đốc điều hành Công ty CP Netalink (quận 1, TP HCM), lưu ý tần số về thái độ sẽ được DN quan tâm hơn so với trình độ khi tuyển dụng nhân sự mới. Ông Lâm nhấn mạnh bên cạnh kiến thức và kỹ năng, NTD cũng đặc biệt "soi" việc SV có thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa, các kỳ kiến tập - thực tập tại DN, các buổi workshop…
"Đa phần SV không để ý phần này nhưng đối với NTD thì đặc biệt quan trọng, nó thể hiện được tinh thần ham học hỏi, nâng cao kiến thức, cải thiện kỹ năng của SV - những NLĐ trẻ gia nhập thị trường lao động" - ông Lâm phân tích và khuyên SV mạnh dạn đi làm thêm dù tài chính gia đình đủ chu cấp. Vị CEO của Netalink cho rằng đi làm thêm với bất cứ công việc gì trong quá trình đi học cũng đều là những trải nghiệm quý báu; qua đó, sẽ giúp SV có thêm mối quan hệ, kỹ năng phục vụ, kỹ năng quản lý thời gian, đầu việc. Đó đều là những hành trang, viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp đầy hứa hẹn mà SV cần tham gia.