Bệnh viện công muốn "tính đúng" viện phí
Hiện viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn nên nhiều bệnh viện đề xuất điều chỉnh giá
Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) công cho rằng giá dịch vụ y tế quá thấp khiến họ không đủ lực để bảo đảm đời sống nhân viên y tế và giữ chân các bác sĩ (BS) giỏi. Bộ Y tế cho biết hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) đang được áp dụng theo Thông tư 13/2019/TT-BYT. Trong đó, giá khám tại BV đặc biệt, hạng I là 38.700 đồng/ lượt; BV hạng II: 34.500 đồng/lượt, BV hạng III: 30.500 đồng/lượt và BV hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng/lượt. Cùng đó, giá giường bệnh đang được quỹ BHYT chi trả từ 216.500 đến 705.000 đồng/ngày (áp dụng cho giường hồi sức tích cực hạng I).
Viện phí đã "lạc hậu"?
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, giá một số dịch vụ cận lâm sàng hiện đang có sự chênh lệch lớn giữa các BV công và BV tư.
Đơn cử như giá dịch vụ khám bệnh tại BV bán công trên địa bàn TP Hà Nội từ 150.000 đồng - 450.000 đồng (tùy chuyên khoa), thì giá khám theo quy định tại BV hạng đặc biệt được chi trả 38.700 đồng với bất cứ chuyên khoa nào. Hay dịch vụ nội soi tai mũi họng của BV này có giá 350.000 đồng/lượt, thì giá các BV hạng I đang được BHYT chi trả 104.000 đồng/lượt. Với dịch vụ siêu âm 2D, hầu hết các BV và phòng khám tư thu với giá từ 120.000 đồng - 200.000 đồng còn BHYT đang chi trả 43.900 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ y tế đang được quỹ BHYT chi trả có mức khá "lạc hậu" so với giá hiện nay, nhất là trong bối cảnh giá vật tư y tế đang tăng từ 5%-10%.
Nêu thực trạng giá dịch vụ y tế đang thấp hơn nhiều so với giá thực tế, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức (TP Hà Nội), cho biết BS cũng cần có thu nhập ổn định. Muốn vậy, viện phí phải được tính đúng tính đủ và cần có cơ chế để có máy móc KCB. Hiện giá dịch vụ mới được tính một phần yếu tố là tiền lương, chi phí trực tiếp. Với các chi phí quản lý hay chi phí khấu hao tài sản cố định chưa được tính vào giá.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết hiện giá dịch vụ y tế được quỹ BHYT mới tính 4/7 và giá này được xây dựng từ năm 2019 đến nay nên có nhiều điểm cần phải thay đổi. Dẫn chứng dịch vụ siêu âm ổ bụng hiện đang được chi trả với giá 43.900 đồng/lần, PGS Cơ cho rằng dù đã được điều chỉnh nhưng mức giá này được xây dựng gần 10 năm trước và chỉ tính một phần viện phí. "Với giá này thì từ lúc mua một máy siêu âm đến lúc máy hết khấu hao thì tổng tiền thu được chưa chắc đã đủ mua máy siêu âm, chứ chưa nói đến việc trả lương cho nhân viên y tế" - PGS Cơ nói và cho biết thêm hơn 2 năm nay do lương thấp, các chính sách đãi ngộ chậm thay đổi, điều kiện làm việc bị hạn chế… nên nhiều BS giỏi đã sang BV tư làm việc.
Giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập hiện mới tính 4/7 yếu tố cấu thành
Cần tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá
Trước "làn sóng" BS thôi việc, bỏ BV công, mới đây Công đoàn Y tế Việt Nam đã có văn bản đề nghị nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
Theo PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, hiện viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% BV phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Đây là một khó khăn lớn trong việc lo lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ y tế. Do đó, đề nghị Đảng, Chính Phủ ban hành chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để bảo đảm duy trì sự hoạt động của các BV, trong đó có chi phí bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế.
Để BV có nguồn thu, bảo đảm được phụ cấp cho nhân viên y tế, PGS Cơ cho rằng cần phải điều chỉnh viện phí tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá theo giá hiện hành để BV công có thể vận hành bình thường, bảo đảm công tác chăm sóc cho người bệnh cũng như để cán bộ y tế yên tâm công tác.
"Chúng tôi không tính lãi mà chỉ cần tính đủ viện phí. Trong các yếu tố cấu thành giá, thuốc và vật tư không có lãi vì mua bao nhiêu sẽ được thanh toán bấy nhiêu. Đó là chưa kể hao hụt trong quá trình bảo quản, sử dụng. Còn nhiều yếu tố cấu thành khác, BV đang phải trả tiền để vận hành bộ máy và các hoạt động KCB thì không được tính hoặc tính không đầy đủ. Ngay cả việc tăng phụ cấp cho nhân viên y tế đang được đề xuất thì vẫn phải có nguồn thu từ chính giá dịch vụ y tế" - PGS Cơ giải thích.