A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp lực thiếu trường học đè nặng ngành giáo dục Hà Nội

Số lượng học sinh tăng quá nhanh đặt ra yêu cầu TP Hà Nội cần giải quyết sớm tình trạng thiếu trường học và đẩy nhanh tiến độ xây mới các trường học theo kế hoạch.

Áp lực thiếu trường học đè nặng ngành giáo dục Hà Nội

Nhiều quận trung tâm của Hà Nội có số lượng nhiều học sinh, gây áp lực lớn lên hạ tầng trường học.Ảnh: Cẩm Hà

Một quận thiếu tới 10 trường học

Khi đề xuất cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường) và cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp), Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP Hà Nội lý giải nguyên nhân bắt nguồn từ số lượng học sinh tăng quá nhanh. Ước tính trong 3 năm tới, số học sinh tốt nghiệp THCS tăng gần 29.000 so với 129.210 của năm nay. Trong khi đó, thành phố chỉ tăng 6 trường THPT công lập (không tính trường công tự chủ, hiệp quản).

Thực tế tình trạng thiếu trường học đang xuất hiện tại nhiều địa bàn của Hà Nội, đặc biệt là tại các quận trung tâm có số lượng dân cư đông. Tìm hiểu của Lao Động cho thấy, báo cáo với đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội vào tháng 9.2023, UBND quận Đống Đa cho hay chỉ riêng trong kỳ tuyển sinh năm học 2023 - 2024, các trường trong quận tuyển sinh 12.095 học sinh ở các cấp học.

Dù trên địa bàn quận không có trường nào có tỉ lệ tuyển sinh vượt nhiều so với chỉ tiêu, nhưng thực tế, quận vẫn còn thiếu 4 trường tiểu học và 6 trường THCS.

UBND quận Đống Đa kiến nghị Thành phố xem xét ưu tiên quỹ đất cho giáo dục để có điều kiện mở rộng và xây mới các trường công lập, tận dụng những quỹ đất còn trống xây dựng trường học. Đối với từng dự án cụ thể về cải tạo, mở rộng diện tích của các trường học hiện có, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án nâng thêm tầng. Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp, đảm bảo có đủ chỗ đạt chuẩn cho học sinh mầm non, phổ thông.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp quận Đống Đa rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để đưa vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Dồn vốn thực hiện 653 dự án lĩnh vực giáo dục

Không chỉ riêng quận Đống Đa, tình hình thiếu trường học còn diễn ra tại nhiều địa bàn. Tại buổi kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai, Giám đốc Sở GDĐT TP Hà Nội Trần Thế Cương cho hay, các quận Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm đang là địa bàn có sức nóng về số lượng học sinh.

Riêng quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng học sinh lớn của Hà Nội. Học sinh mầm non, tiểu học, THCS của quận Hoàng Mai đều vượt quá quy định về chỉ tiêu số học sinh/nhóm, lớp. Đối với cấp mầm non, quận Hoàng Mai có bình quân 38,6 trẻ/nhóm lớp; cấp tiểu học là 47,6 học sinh/lớp; khối THCS là 45,5 học sinh/lớp; còn cấp THPT là 46 học sinh/lớp.

Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhìn nhận Hà Nội hằng năm tăng dân số cơ học lớn và đây là một sức ép đối với ngành giáo dục. Với tình hình của quận Hoàng Mai, ông Thanh cho rằng, quận cần có nghị quyết chuyên đề mới về vấn đề cơ sở vật chất giáo dục; rà soát, đánh giá lại nhu cầu, dự báo xu hướng phát triển để phân công triển khai nhiệm vụ. Đồng thời tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.

Để giải quyết bài toán áp lực số lượng học sinh tăng nhanh, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội bố trí 20.913,8 tỉ đồng cho 653 dự án trong lĩnh vực giáo dục. Giám đốc Sở KHĐT Lê Anh Quân cho biết, quá trình triển khai, nhiều quận huyện đề nghị tăng quy mô đầu tư, tăng mức vốn với 72 dự án trường trung học phổ thông. Và sau rà soát, có 14 quận, huyện, thị xã đề nghị tăng mức vốn hỗ trợ đối với 45 dự án (do tăng quy mô và tổng mức đầu tư) là 3.307 tỉ đồng.

Đầu tư, cải tạo trường học là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích, trong giai đoạn 2022-2025, để bảo đảm tiến độ, UBND Thành phố cần chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát tổng thể, đề xuất cân đối bổ sung nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường THPT trên cơ sở làm rõ việc thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư của từng dự án, bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí vốn ngân sách Nhà nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết