A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Trả lại tuổi thơ" cho bé gái đáng thương có bàn chân khoèo

Bị dị tật bàn chân khoèo nhưng đến lúc 8 tuổi, bé gái ở tỉnh Quảng Nam mới có cơ duyên được phẫu thuật nắn lại bàn chân.

Vừa qua, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã thực hiện ca phẫu thuật miễn phí cho em Đỗ Trần Bảo Trâm (8 tuổi, trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Hoàn cảnh của Bảo Trâm rất đáng thương. Vốn sinh non, sức khỏe yếu lại thêm dị tật bẩm sinh bàn chân khoèo, Trâm còn thiệt thòi khi mồ côi cha từ lúc 2 tháng tuổi, mẹ sau đó đi tìm hạnh phúc riêng.

Trả lại tuổi thơ cho bé gái đáng thương có bàn chân khoèo - Ảnh 1.

Trả lại tuổi thơ cho bé gái đáng thương có bàn chân khoèo - Ảnh 2.

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật miễn phí cho Bảo Trâm

8 năm qua, vì không có điều kiện thăm khám nên Bảo Trâm không được đến trường. Thể chất yếu ớt lại không được giao tiếp bên ngoài nên Trâm lầm lì ít nói, rất sợ gặp người lạ. Tất cả mọi hoạt động sống của em gói gọn trong ngôi nhà nhỏ dưới sự hỗ trợ của bà nội và bà cố. Theo thời gian, sức khỏe của bà ngày càng yếu đi trong khi Trâm thì ngày càng lớn, nỗi lo lắng ai sẽ chăm sóc cho Trâm khi em không thể đi, không đến trường trĩu nặng trên vai người phụ nữ ngoài 50 tuổi.

Cơ duyên đến với bà cháu Trâm trong một lần tham dự chương trình Tầm soát tim miễn phí do Bệnh viện Vĩnh Đức tổ chức. Dù chương trình diễn ra ngày thứ bảy nhưng chẳng hiểu sao hai bà cháu lại đi nhầm ngày, đến viện vào hôm thứ năm. Thấy hoàn cảnh hai bà cháu dắt díu nhau xa xôi, bệnh viện đã linh động sắp xếp khám tim trước cho Trâm.

Trả lại tuổi thơ cho bé gái đáng thương có bàn chân khoèo - Ảnh 3.

Sau phẫu thuật, em được bó bột để cố định xương

May mắn không mắc bệnh tim nhưng đôi chân khoèo co quắp của Trâm đã nhận được sự chú ý của các bác sĩ. Nhận được thông tin có em bé 8 tuổi chưa được phẫu thuật bàn chân khoèo, bác sĩ Trương Quang Nhân – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Vĩnh Đức đã có mặt để thăm khám.

Trả lại tuổi thơ cho bé gái đáng thương có bàn chân khoèo - Ảnh 4.

Trả lại tuổi thơ cho bé gái đáng thương có bàn chân khoèo - Ảnh 5.

Cắt bột để kiểm tra

Nhận định chân của Trâm có thể mổ được và phải mổ càng sớm càng tốt để trả lại tuổi thơ cho em, các bác sĩ đã thực hiện các thủ tục để tiến hành ca mổ sớm nhất. Về phần công tác xã hội, xác định hành trình sau mổ của Trâm phải gắn với quá trình tập vật lý trị liệu khá dài, bệnh viện đã vận động các nhà hảo tâm để cùng đồng hành với em trong và sau ca mổ.

Điều may mắn là ca mổ của Trâm đã được thực hiện thành công tốt đẹp. Hiện tại, sức khỏe của Bảo Trâm ổn định và đang được bó bột. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục đồng hành với em trong quá trình tập vật lý trị liệu.

Trả lại tuổi thơ cho bé gái đáng thương có bàn chân khoèo - Ảnh 7.

Những bước đi của Trâm sau thời gian phẫu thuật

Bác sĩ Trương Quang Nhân cho biết xương khớp trẻ em rất linh hoạt, các dây chằng cũng như bao khớp và các gân đều mềm dẻo. Vì vậy, từ 1 – 2 tuần sau khi sinh nên bắt đầu điều trị nhằm thay đổi hình dạng và cơ năng của bàn chân trước khi trẻ tập đi. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây biến dạng nặng nề cho bàn chân, bắt buộc phải phẫu thuật rất phức tạp nhưng kết quả lại không tốt.

Bàn chân khoèo là một dị tật thường gặp, do bẩm sinh hoặc cũng có thể là hậu quả của bệnh bại liệt trẻ em. Tình trạng này có thể nặng hoặc nhẹ. Bàn chân bé bị xoay khiến lòng bàn chân không thể đặt bẹt lên nền đất. Gân gót thường ngắn hơn bình thường. Bàn chân ở vị thế gấp thành góc nhọn với cổ chân, trông giống với đầu gậy chơi gôn. Bàn chân khoèo thường xảy ra đơn độc nhưng cũng có thể kết hợp với các dị dạng bẩm sinh khác. Dị tật này gặp ở khoảng 1/1.000 trẻ sơ sinh. Tỷ lệ bị cả 2 chân khoảng 50%, trong đó bé trai chiếm nhiều hơn bé gái. Mỗi năm ước tính trên thế giới có hơn 100.000 trẻ sinh ra bị bàn chân khoèo, trong đó 80% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển.

Đa số trẻ không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Nếu không được điều trị, trẻ đi đứng sẽ không bình thường, bị tàn phế về thể chất, ảnh hưởng nặng đến tâm sinh lý, giảm cơ hội học hành và lao động về sau.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...