Xử lý lấn chiếm đường bộ, trách nhiệm đầu tiên thuộc chính quyền địa phương
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ ở cấp huyện, xã đang rất chậm trễ và đây được cho là điểm nghẽn trong xử lý vi phạm lấn chiếm đường bộ.
Sau phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng đấu nối trái phép, lấn chiếm hành lang đường bộ trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, ngày 14.7 vừa qua, UBND huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp đã vi phạm kéo dài trong nhiều năm.
Theo đó, Công ty TNHH PT&TMĐT Hưng Thịnh (tại xã Tức Tranh) đã bị xử phạt tổng số tiền 93 triệu (bao gồm cả hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được cơ quan nhà nước cho phép) và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm xây dựng trong hành lang đường bộ.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp vi phạm đấu nối trái phép, lấn chiếm hành lang trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới nói riêng và các tuyến đường bộ nói chung bị xử lý.
Trên thực tế, rất nhiều trường hợp vi phạm đã có được lập biên bản nhưng chưa ra được quyết định xử lý hành chính và cưỡng chế tháo dỡ.Việc xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang đường bộ tại cấp huyện được đánh giá chưa thực sự quyết liệt, trách nhiệm.
Trao đổi với PV Báo Lao Động về nội dung này, ông Trần Hưng Hà - Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I, Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, thời gian qua, việc vi phạm lấn chiếm hành lang trên các tuyến đường bộ diễn biến khá phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, việc xử lý sau lập biên bản còn gặp rất nhiều khó khăn.
"Trên thực tế, chúng tôi thường xuyên báo cáo Cục và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo, đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh phải có sự quyết liệt hơn nữa trong xử lý vi phạm hành lang đường bộ.
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính là cấp huyện trở lên, cưỡng chế giải toả cũng vậy. Trong khi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, chấp hành quy định pháp luật tại địa phương do vậy Ban ATGT các tỉnh, huyện cần tích cực, quyết liệt hơn nữa để xử lý các vi phạm" - ông Hà cho hay.
Cũng theo ông Hà, khi lấy ý kiến sửa đổi Luật Giao thông đường bộ thì cần tăng vai trò, trách nhiệm của các địa phương đặc biệt là UBND cấp huyện, xã trong quản lý đất đai, hạ tầng dọc theo các tuyến đường bộ, đường cao tốc.
Ông Trần Hưng Hà nhận định, mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay không phải là thấp, việc tăng mức xử phạt cũng là tốt nhưng cần xem xét tới yếu tố chấp hành. Trước tiên với chế tài hiện tại chúng ta phải làm tốt đã, nếu không chuyển biến sẽ tính phương án tăng nặng thêm.
Việc phối hợp giữa Cục Đường bộ Việt Nam và các địa phương trong công tác này, ông Hà cho rằng: "Về cơ bản lãnh đạo các tỉnh cũng đã rất quyết liệt trong chỉ đạo xử lý vi phạm, tuy nhiên khi xuống tới cấp huyện, cấp xã thì việc xử lý rất chậm trễ.
Các huyện, xã có rất nhiều lý do cho việc chậm trễ này dẫn tới công tác xử lý lấn chiếm hành lang, đấu nối trái phép trên các tuyến đường bộ chưa đạt hiệu quả như mong muốn".
Tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới có diễn biến đô thị hóa rất cao
Theo ông Trần Mạnh Hà - Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I, Cục Đường bộ Việt Nam, tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới có diễn biến đô thị hoá rất cao, xu hướng người dân, doanh nghiệp muốn đấu nối trực tiếp khá nhiều.
Các vi phạm đều được phát hiện, lập biên bản ngăn chặn. Gần như tháng nào, Khu Quản lý đường bộ I cũng có văn bản gửi UBND TP Thái Nguyên, huyện Phú Lương, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) để đôn đốc xử lý, thậm chí có tháng có 2, 3 văn bản.
Thẩm quyền của Văn phòng Quản lý đường bộ 1.4 không thể xử phạt vi phạm, cưỡng chế tháo dỡ được mà phải chuyển cho chính quyền cấp huyện dọc tuyến. Song việc xử lý đến cùng hiện nay chưa thực sự sự quyết liệt.