A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tùy tiện trừ lương người lao động

Tình trạng doanh nghiệp khấu trừ tiền lương vì những mục đích khác nhau đang diễn ra phổ biến, gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động

Theo quy định của Bộ Luật Lao động, hằng năm, người lao động (NLĐ) làm việc đủ 12 tháng được nghỉ hưởng nguyên lương từ 12 - 16 ngày tùy theo đối tượng và điều kiện làm việc. Tuy nhiên, tại Công ty CP V.H (quận 4, TP HCM), khi NLĐ nghỉ phép vào ngày trước và sau các đợt nghỉ lễ, Tết thì những ngày nghỉ sẽ được tính là nghỉ không lương. Đồng thời, NLĐ còn bị phạt tiền do gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Lạm dụng phạt tiền

Ông N.X.B - tài xế của công ty - cho biết nếu NLĐ đi làm vào ngày trước và sau kỳ nghỉ lễ, Tết sẽ được thưởng 200.000 đồng/ngày. Song, nếu nghỉ phép sẽ bị phạt 1 triệu đồng/ngày nghỉ (đối với tài xế xe container) và 400.000 đồng/ngày nghỉ (đối với tài xế xe tải và phụ xe).

Ngoài khoản phạt này, công ty còn định ra nhiều khoản phạt bằng tiền khác đối với NLĐ. Chẳng hạn, khi NLĐ nhậu trong bãi xe bị phạt tiền 3 triệu đồng/người; đánh bạc, cãi vã, đánh nhau phạt 5 triệu đồng/người; nhân viên bảo vệ trong ca trực xảy ra các hành vi trên mà không nhắc nhở, lập biên bản NLĐ vi phạm bị phạt 1 triệu đồng/người... Đó chỉ là hình thức phạt đối với lần vi phạm đầu tiên, còn nếu vi phạm lần thứ 2 trở đi thì NLĐ sẽ bị buộc thôi việc.

Với mức lương chính hằng tháng của tài xế chỉ 5 triệu đồng/tháng, việc phạt tiền mà công ty đặt ra như trên đã khiến không ít NLĐ bị âm lương. "Công ty nói số tiền xử phạt sẽ được sung vào công quỹ để tương trợ cho cán bộ, nhân viên bị tai nạn, ốm đau, khó khăn. Lý do thì có vẻ hợp lý nhưng liệu việc phạt tiền NLĐ như vậy có đúng quy định không?" - ông B. bức xúc.

Không riêng Công ty CP V.H, việc xử phạt bằng tiền khi NLĐ vi phạm nội quy lao động cũng đang được nhiều doanh nghiệp (DN) áp dụng. Trong bảng nội quy của Trung tâm Ngoại ngữ I.A (TP Cần Thơ) cũng liệt kê hàng loạt nội dung phạt tiền đối với NLĐ. Cụ thể, NLĐ sẽ bị phạt 30.000 đồng/lần nếu vi phạm một trong các lỗi: không đeo bảng tên, mất bảng tên; đồng phục, đầu tóc không gọn gàng; nhận tin nhắn của cấp trên nhưng không phản hồi; quên chấm công hoặc đi trễ 5 phút, về sớm 10 phút. 

Nếu vi phạm các lỗi: không tắt thiết bị điện, nước trước khi về; cãi và làm mất đoàn kết; nghỉ không phép… bị phạt từ 50.000 - 100.000 đồng/lần. Riêng trường hợp NLĐ nghỉ quá 2 ngày không có lý do chính đáng từ 2 lần trở lên sẽ bị lập biên bản kèm khoản phạt 500.000 đồng/lần; nếu chia bè phái, nói xấu đồng nghiệp, công ty sẽ bị buộc nghỉ việc và không trả lương…

Tùy tiện trừ lương người lao động- Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: HƯƠNG HUYỀN

1.001 lý do trừ lương

Theo quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành, người sử dụng lao động (NSDLĐ) chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ theo quy định; cấm NSDLĐ phạt tiền, cắt lương NLĐ thay cho việc xử lý kỷ luật lao động. Tuy nhiên, bất chấp quy định, các DN vẫn sử dụng vô số hình thức phạt tiền, trừ tiền lương của NLĐ. Đơn cử như tình huống mà bà D.T.T.N - cựu nhân viên kế toán tổng hợp nội bộ của một công ty thương mại tại quận 3, TP HCM - gặp phải.

Trước đó, vào tháng 7-2023, bà N. đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn 1 năm với công ty, mức lương 15 triệu đồng/tháng. Ngày 7-9-2023, do con trai (8 tuổi) bị bệnh u não ác tính, bà N. nộp đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 7-10-2023. Sau khi nộp đơn, bà N. vô cùng bức xúc khi lương tháng 8-2023 bị trừ 12,5% và lương tháng 9-2023 bị trừ 25%. L

ý do trừ lương là bà N. không hoàn thành nhiệm vụ, hay đi trễ về sớm. Tại phiên hòa giải do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 3, TP HCM thực hiện vừa qua, phía công ty lý giải mức lương của vị trí kế toán tổng hợp bao gồm: lương theo thỏa thuận 5,1 triệu đồng/tháng; phụ cấp ý thức chất lượng công việc theo đánh giá chất lượng của người quản lý trực tiếp (loại A là 3.750.000 đồng/tháng, loại B là 2.812.500 đồng/tháng, loại C là 937.000 đồng/tháng, loại D không được thưởng); phụ cấp đời sống 6.150.000 đồng/tháng. 

Như vậy, lương trả cho NLĐ phụ thuộc mức độ hoàn thành công việc, số ngày giờ công thực tế. Do bà N. không chấp hành thời gian làm việc và nội quy công ty nên không có cơ sở để trả mức lương như bà N. yêu cầu. "Tiền lương thỏa thuận trên HĐLĐ của tôi là 15 triệu đồng/tháng, không phụ thuộc các khoản phụ cấp công ty nêu. Việc công ty tự ý đưa ra các quy định mới về cách tính lương sau khi ký HĐLĐ và đánh giá mức độ hoàn thành công việc dựa trên ý kiến của người quản lý mà không có quy chế rõ ràng là không đúng quy định và cảm tính, gây thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ" - bà N. nói.

Vì lý do thường xin đi trễ, mới đây, chị P.N.L - nhân viên marketing - không chỉ bị DN đuổi việc mà còn bị giữ lương để bồi thường chi phí đào tạo. Trước đó, chị L. từng làm việc bán thời gian tại công ty 1 năm và có trải qua thời gian đào tạo. Đến tháng 9-2023, chị và công ty đã ký HĐLĐ làm việc toàn thời gian, trong đó có điều khoản: "Bồi thường chi phí đào tạo trong trường hợp NLĐ bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Chi phí bồi thường tùy thuộc vào từng chương trình đào tạo của công ty". 

Do có con nhỏ nên trong thời gian làm việc tại công ty, chị L. có vài lần xin phép được đi làm trễ 15 - 30 phút/lần. Trong sổ tay lao động do công ty ban hành, nếu NLĐ đi trễ chỉ bị phạt tiền và không có quy định đi trễ bao nhiêu lần sẽ bị đuổi việc. Thế nhưng, sau khi làm việc được khoảng 2 tháng, chỉ vì đi trễ vài lần (có xin phép), chị L. bị sa thải và buộc phải bồi thường 10 triệu đồng chi phí đào tạo. Sau khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, công ty phải hủy yêu cầu bồi thường, bởi theo quy định, chỉ khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật mới phải bồi thường khoản này cho NSDLĐ. 

"Căn cứ Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022, khi khấu trừ tiền lương của NLĐ không đúng quy định, NSDLĐ có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng tùy theo quy mô sử dụng lao động. Bên cạnh đó, nếu dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, NSDLĐ có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng và bị buộc phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho NLĐ" - ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, lưu ý.

 


Tác giả: CAO HƯỜNG - HUỲNH NHƯ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...