Trì hoãn tăng lương tối thiểu vùng: Chưa ráo mồ hôi đã hết tiền
Suốt 2 năm qua, người lao động chấp nhận khó khăn để cùng doanh nghiệp vượt khó, giờ là lúc doanh nghiệp chia sẻ với họ
Gần 5 năm làm việc tại một công ty chế biến thực phẩm ở quận 12, TP HCM nhưng thu nhập của anh Đỗ Văn Mười, công nhân (CN) lò hơi, chưa đến 5 triệu đồng/tháng. Không riêng anh Mười, nhiều CN có thâm niên ở đây có chung bậc lương ngang bằng lương tối thiểu (LTT) vùng. Nếu muốn được tăng lương đột xuất thì CN phải có sáng kiến, song để đáp ứng tiêu chí này không dễ.
Sống chật vật
Vợ anh Mười là lao động tự do, thu nhập không ổn định nên chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào anh. Với thu nhập cố định khoảng 4,3 triệu đồng/tháng (sau khi trừ BHXH) của Mười, cuộc sống gia đình anh rất chật vật.
Tương tự, hơn 7 năm làm việc tại Công ty TNHH Pao Yuan (TP Thủ Đức, TP HCM), sau khi trừ các khoản bảo hiểm, nếu không tăng ca thì thu nhập của chị Cao Ngọc Hà chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị Hà chạy xe ôm nên thu nhập thất thường. Do phải nuôi 2 con nhỏ nên để tiết giảm chi tiêu, vợ chồng chị đành thuê nhà trọ giá rẻ ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Giá thuê rẻ nên phòng trọ ẩm thấp, dù thương các con nhưng chị Hà không biết xoay xở ra sao khi điều kiện kinh tế không cho phép.
Chị nhẩm tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, giá trứng vịt đã tăng từ 26.000 đồng/chục lên 35.000 đồng/chục, rau muống từ 25.000 đồng lên 30.000 - 32.000 đồng/kg, cá nục từ 35.000 đồng lên 45.000 đồng/kg, giá gas tăng vượt mốc 500.000 đồng/bình… thì dù khéo chi tiêu cũng thiếu trước hụt sau. "Cuộc sống quá khó khăn nên chúng tôi chỉ còn trông chờ vào việc tăng LTT. Nếu hoãn tăng lương thì chúng tôi phải bám víu vào đâu?" - chị Hà than thở.
Hai năm dịch bệnh là ngần ấy thời gian vợ chồng chị Trương Thị Mai (quê Nam Định) - CN một doanh nghiệp (DN) trên địa bàn quận Gò Vấp, TP HCM - phải đối mặt với khó khăn. Sau cơn bạo bệnh cách đây vài năm, chồng chị mất khả năng lao động, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào chị. Bản thân chị cũng đang mang nhiều bệnh. Thu nhập mỗi tháng của chị chưa tới 6 triệu đồng, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt và thuốc thang cho chồng.
Chị Nguyễn Thị Huệ, CN Công ty TNHH UMC (KCN Đại Đăng, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), cho biết để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng chị phải cố gắng tăng ca, thậm chí mong được công ty bố trí làm việc ngày chủ nhật để được tính lương gấp đôi. Thế nhưng, thu nhập vẫn không đủ chi tiêu hằng tháng. "Chưa ráo mồ hôi đã hết tiền là tình cảnh của CN hiện nay, nhất là trong bối cảnh sau dịch" - chị Huệ nói.
Người lao động mong được tăng lương để bớt khó khăn. Ảnh: MAI CHI
Đừng đẩy khó cho công nhân
Khi nghe thông tin 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời hạn tăng LTT vùng đến ngày 1-1-2023 thay vì 1-7-2022 như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG), không chỉ người lao động (NLĐ) mà nhiều cán bộ Công đoàn, thậm chí cả chủ DN, cảm thấy bức xúc.
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May mặc tỉnh Bình Dương, cho biết nếu không tăng lương sẽ khó giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với DN. Thực tế tại Bình Dương là minh chứng. Hiện nay, nguồn lao động tại địa phương không còn dồi dào như trước, nhất là sau đợt dịch vừa rồi, CN có thiên hướng về quê sống nhiều hơn do không kham nổi chi phí sinh hoạt.
Do đó, để thu hút NLĐ vào làm việc, DN không thể không tăng lương. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, Công ty TNHH Tashuan (KCN Tân Tạo, TP HCM) lại gặp khó khăn khi đơn hàng xuất đi châu Âu bị đình trệ. Khi HĐTLQG chốt phương án tăng LTT, công ty đã sớm có phương án chuẩn bị.
Ông Đinh Sỹ Khương, Giám đốc hành chính - nhân sự công ty, thông tin: "Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, do việc làm ít nên CN nghỉ việc khá nhiều. Dù vậy, công ty vẫn xây dựng phương án tăng lương (khoảng 10%) cho CN từ tháng 3 để động viên". Cũng theo ông Khương, mọi năm, các DN hầu hết đã có sự chuẩn bị để điều chỉnh LTT, do vậy việc tăng lương hoàn toàn có thể thực hiện được từ ngày 1-7-2022.
Theo ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai), dịch bệnh khiến cả DN lẫn NLĐ gặp khó khăn. Hai năm qua, NLĐ đã chấp nhận khó khăn để đồng hành với người sử dụng lao động, do vậy việc các hiệp hội ngành nghề đề xuất lùi thời điểm điều chỉnh LTT là rất khó chấp nhận.
"Quan hệ lao động chỉ bền vững khi hài hòa được lợi ích của người sử dụng lao động và NLĐ, không thể đẩy thế khó về một bên. Khi chốt mức tăng và thời gian bắt đầu điều chỉnh, tôi nghĩ HĐTLQG đã tính toán kỹ, điều này cũng thể hiện sự tôn trọng kết quả thỏa thuận giữa các bên, bao gồm đại diện giới chủ" - ông Phúc nhấn mạnh.
Trì hoãn là có lỗi với người lao động
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng Adecco TP HCM, với phương án tăng 6% do HĐTLQG chốt thì mức LTT vùng cao nhất (vùng I) vẫn chưa tới 5 triệu đồng. So với mức sống hiện tại thì chưa đủ chi tiêu cho một người đi làm chứ đừng nói đến chuyện lo cho con cái hoặc có dư. Trong khi đó, trải qua nhiều đợt dịch bệnh, NLĐ đã kiệt quệ, họ trông chờ vào chính sách tiền lương để có mức thu nhập tốt hơn, bù đắp những thiếu hụt đã trải qua. Vì thế, tăng LTT vùng cần áp dụng đúng thời điểm quy định, hoãn tăng lương là có lỗi với NLĐ. "DN hay bất kỳ tổ chức nào cũng mong muốn có đội ngũ lao động giỏi, chuyên nghiệp và cho năng suất lao động cao. Năng suất lao động phụ thuộc rất lớn vào thể chất và thái độ làm việc của NLĐ. Những yếu tố này lại phụ thuộc vào mức thu nhập mà NLĐ nhận được. Nếu LTT chưa bảo đảm cuộc sống tối thiểu thì làm sao NLĐ có được thể chất khỏe mạnh và tâm trạng thoải mái để làm việc hiệu quả?" - ông Chương bày tỏ.