A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP HCM tiếp tục kiến nghị tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non

Trong báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM với UBND TP về phát triển các cơ sở giáo dục tại khu công nghiệp, sở này tiếp tục kiến nghị về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non

Cụ thể, theo Sở GD-ĐT TP HCM, tính chất công việc đòi hỏi giáo viên mầm non phải năng động, nhanh nhẹn và sức khỏe để tổ chức linh hoạt các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Do đó, việc áp dụng tuổi hưu đối với giáo viên mầm non ở mức 60 là chưa phù hợp với. Trên thực tế, giáo viên mầm non khi ở độ tuổi ngoài 50, việc dạy trẻ hát múa sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy trẻ.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đề xuất điều chỉnh Nghị định số 46/2017 của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Bổ sung, hướng dẫn thủ tục giải quyết các trường hợp chuyển địa điểm, chuyển chủ trường, chủ các nhóm lớp theo nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

TP HCM tiếp tục kiến nghị tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non - Ảnh 1.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non 60 tuổi là bất hợp lý

Sở GD-ĐT cũng đề xuất điều chỉnh Thông tư số 13 năm 2020 về ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. 

Tại Điều 5, khoản 2, điểm a và khoản 3 quy định: "Trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp"; "Diện tích khu đất xây dựng trường, điểm trường được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em; đối với các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 10m2 cho một trẻ em". Theo Sở GĐ-ĐT, quy định này chưa phù hợp với thực tế.

 

Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT TP, hiện việc tìm quỹ đất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để xây dựng trường mầm non rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu đã tận dụng tối đa quỹ đất có thể khai thác, môi trường không có mảng cây xanh hoặc có khoảng cách xa với công trình, dẫn đến việc khó đảm bảo về chăm sóc sức khỏe trẻ em, không đủ điều kiện để lập dự án xây dựng trường mầm non, diện tích đất không đủ xây dựng trường chuẩn.

Từ những thực tế trên, Sở GD-ĐT TP HCM đã đưa ra một số giải pháp cho việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non trong khu công nghiệp. 

Cụ thể, TP HCM tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư xây dựng trường mầm non phục vụ con công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu. Nhà nước cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế để khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển các trường, lớp mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cần có giải pháp, chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là trường mầm non; lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện đền bù, giải tỏa; lập, phê duyệt dự án và đầu tư xây dựng các khu đô thị dân cư liền kề hỗ trợ khu công nghiệp mới trước khi đưa khu công nghiệp vào hoạt động....


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...