Tổ cưỡng chế lấy nhẫn, đồng hồ ở Thủ Đức: Người thực thi pháp luật phải làm đúng luật
Dư luận cho rằng phải xử lý nghiêm những người thực hiện hành vi lấy tài sản khi cưỡng chế một căn nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức.
Ngày 26-5, Công an TP Thủ Đức cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng triệu tập những người liên quan để làm rõ vụ "chủ nhà báo bị mất tài sản khi cưỡng chế" xảy ra tại phường Hiệp Bình Chánh, TP HCM.
Trước đó, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch TP Thủ Đức, cho biết UBND phường Hiệp Bình Chánh đã báo cáo toàn bộ vụ việc người trong tổ cưỡng chế lấy nhẫn, đồng hồ khi thực hiện cưỡng chế công trình của vợ chồng ông M.V.Đ – bà H.T.B.C.
"Không thể chấp nhận được khi để xảy ra những vụ việc như vậy. Cần phải rà soát lại, rút kinh nghiệm và xử lý thật nghiêm để làm gương. Cá nhân nào làm sai phải chịu trách nhiệm" - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nói. Ông cũng cho hay UBND TP Thủ Đức đã có những chỉ đạo tăng cường kiểm tra quy trình tổ chức cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Hiện trạng ngôi nhà sau cưỡng chế
Theo luật sư Phan Huy Thái Nguyên (Công ty Đông Phương Luật), việc tháo dỡ công trình vi phạm có thể chia ra 2 trường hợp: chủ đầu tư công trình tự giác chấp hành hoặc không tự giác chấp hành. Khi không tự giác chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Trường hợp của vợ chồng ông M.V.Đ – bà H.T.B.C, UBND phường Hiệp Bình Chánh có thể đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm do ông bà này không tự giác chấp hành việc tháo dỡ. Tuy nhiên, các công việc thực hiện khi tháo dỡ phải thực hiện theo đúng phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt.
Trường hợp phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt có nội dung liên quan đến xử lý, bảo quản tài sản của chủ nhà và tổ cưỡng chế tuân thủ theo nội dung đó thì sau khi cưỡng chế xong phải trả lại tài sản cho chủ nhà.
Ngược lại, tổ cưỡng chế thực hiện không đúng nội dung phương án, hoặc có người trong tổ cưỡng chế vì mục đích tư lợi, chiếm đoạt tài sản của chủ nhà thì tùy vào giá trị tài sản bị lấy và mức độ hành vi có thể bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhóm người lấy tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Trộm cắp tài sản" theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Phải xử nghiêm!
Bạn đọc Nguyễn Văn Thanh (ngụ quận 8, TP HCM) gửi đến Báo Người Lao Động ý kiến: Việc xây dựng không phép và bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật là điều cần làm mạnh tay để lập lại trật tự trong lãnh vực xây dựng, bất động sản, nhà ở. Tuy nhiên, thực thi pháp luật phải đúng luật người dân mới tâm phục khẩu phục.
Việc tổ cưỡng chế để xảy ra tình trạng mất cắp tài sản của người dân, thiếu giám sát, kiểm kê, niêm phong tài sản dẫn đến việc mất cắp là điều lấy làm tiếc, tạo ấn tượng không tốt. Trong việc này, cần xử lý nghiêm người đứng đầu tổ cưỡng chế đã không làm tròn trách nhiệm của mình.
Riêng nhóm người trực tiếp lấy tài sản và đem trả khi bị "làm lớn chuyện" thì công an phải làm rõ, xử lý đúng quy định của pháp luật về hành vi "Trộm cắp tài sản" để không tạo tiền lệ xấu về sau.