A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường

Trên cơ sở xem xét Đề án của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 4/6/2024 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 81-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Đây là cơ sở chính trị quan trọng, định hướng cho công tác quản lý nhà nước của Bộ, của ngành Tài nguyên và Môi trường.

Thời gian tới, Bộ tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong văn kiện trình Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và báo cáo chính trị của đại hội đảng bộ các cấp.

Bộ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) bảo đảm tiến độ và chất lượng ;tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, sửa đổi, hoàn thiện các quy định còn chưa phù hợp, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính về môi trường, triển khai các quy định mới sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025.

Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kế hoạch triển khai các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, thông suốt trong công tác quản lý nhà nước của ngành Tài nguyên và Môi trường từ Trung ương đến địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2024, khối lượng công việc về xây dựng pháp luật của Bộ là rất lớn, yêu cầu về tiến độ cấp bách. Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 và Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, theo đó các Luật nêu trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Bộ đang khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các thông tư để bảo đảm thi hành đồng bộ với Luật.

Về triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai, thi hành Luật, hoàn thành, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước); ban hành theo thẩm quyền 3 Thông tư (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT ngày 16/5/2024 quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất); thực hiện công bố thủ tục hành chính theo quy đinh để bảo đảm triển khai thi hành của Luật kể từ ngày 1/7/2024.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện, trình Chính phủ, trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; tập trung rà soát, đánh giá và xây dựng các dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng onoze, với tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương; đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ngoài ra, với tinh thần luôn hướng về địa phương, cơ sở, Bộ đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt, theo dõi việc tổ chức thi hành chính sách, pháp luật để kịp thời đề xuất, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các văn bản giải quyết các vướng mắc trong thi hành Luật đất đai năm 2013.

Tại các địa phương, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường đã tham mưu, trình Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống gồm các văn bản thể chế hoá các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước.

Đối với các nhiệm vụ lập quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, đến nay, Bộ đã hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền 8/8 quy hoạch cấp quốc gia. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024), Quốc hội khóa XV đã thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ chủ trì xây dựng. Đây là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được triển khai thực hiện ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo lập cơ sở cho việc phân bổ, quản lý hiệu quả, giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế biển, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển, phát triển khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế hiệu quả, từng bước xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Ngoài ra, Bộ đã hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10/15 quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; tiếp tục tổ chức lập, trình 5 quy hoạch trong năm 2024 (gồm: Quy hoạch tổng hợp lưu vực: sông Cả, sông Trà Khúc, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Kôn - Hà Thanh).../

Nguyễn Hồng Điệp


Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Điệp
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết