A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện phương án giảm 2% thuế VAT

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ làm việc với các bộ, ngành về lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 25/4 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường, tạo động lực, truyền cảm hứng cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số…; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, phương án giảm 2% thuế VAT, giảm tiền thuê đất… để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá tác động và đề xuất phương án với việc OECD áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Sớm rà soát điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng để có đề xuất điều chỉnh phù hợp; kịp thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiên định, nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự phiên họp. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Khẩn trương xem xét sử dụng kịp thời công cụ cho vay tái cấp vốn, lãi suất điều hành phù hợp

Liên quan đến vấn đề tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp,... ngày 22/4/2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với tập thể Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó có việc xây dựng các Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại Thông báo số 149/TB-VPCP kết luận cuộc họp trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội;

Tìm điểm cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa lãi suất và tỷ giá... để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là ưu tiên cung cấp vốn tín dụng, hỗ trợ thanh khoản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững;

Khẩn trương xem xét sử dụng kịp thời công cụ cho vay tái cấp vốn, lãi suất điều hành phù hợp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, đời sống của người dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...