A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Luật BHXH: Đừng chỉ quan tâm đến phần ngọn

Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh là cần thiết; tuy nhiên, cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn, thay vì chỉ tập trung vào việc hạn chế người dân rút BHXH một lần.

Năm 2021, có hơn 960.000 người yêu cầu rút BHXH một lần, con số kỷ lục trong giai đoạn 2016-2021. Cú sốc về kinh tế mà đại dịch COVID - 19 gây ra đã khiến hàng triệu lao động mất việc làm vào thời điểm đó, có người kịp về quê nhưng có nhiều người phải lay lắt ở lại thành phố vì lệnh phong tỏa. Khoảng hơn một năm sau, có hàng dài người lao động chờ đợi bên ngoài các cơ quan BHXH ở TP. HCM từ rạng sáng để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp một lần, một hiện tượng mà báo chí miêu tả là "ồ ạt". Có thể dễ dàng nhận thấy, nhiều lao động mất việc chưa tìm được việc làm mới và không còn sự lựa chọn nào khác mà phải dựa vào tiền đóng BHXH để sử dụng trong lúc khẩn cấp, khó khăn.

Giọt nước tràn ly

Kinh tế tuy có những khởi sắc nhưng vẫn còn sang chấn sau đại dịch, đó còn chưa kể tới ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Điều đó đã kéo theo nhiều việc làm trong các ngành gia công xuất khẩu, đặc biệt là ngành may mặc và da giày, gần đây bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu tiêu dùng thấp đi ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu, dẫn đến việc các nhà máy bị sụt giảm đơn hàng hoặc không có đơn hàng sản xuất. 

Cuối năm 2022, nhiều công ty ở khu vực phía Nam buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Theo thống kê, có hơn 600.000 công nhân bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 34.000 công nhân mất việc làm, số còn lại bị giảm giờ làm việc hoặc nghỉ chờ việc. Nếu những người lao động bị ảnh hưởng từ làn sóng mất việc vào cuối năm 2022 không thể tìm được việc làm mới trong vòng một năm, rất có khả năng nhiều người trong số họ sẽ nghĩ đến việc rút tiền BHXH để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, hiện tượng người dân "đổ xô" đi rút BHXH sau đại dịch chỉ là giọt nước tràn li và là kết cục có thể dự đoán từ trước. Từ năm 2016 đến 2021, hệ thống BHXH ghi nhận thêm khoảng 4,23 triệu người tham gia nhưng có 4,06 triệu người rời bỏ. Hơn 98% trường hợp là những người đã nghỉ việc và ngưng đóng BHXH trong vòng một năm. Những người xin rút BHXH hầu hết ở độ tuổi dưới 40 và làm việc trong khu vực ngoài nhà nước. Tuy không có số liệu thống kê chính thức, có một bộ phận lớn những người xin rút BHXH là công nhân tay nghề thấp trong các ngành may mặc, giày da và các ngành công nghiệp chế biến. Những cú sốc từ đại dịch COVID và làn sóng sa thải vào cuối năm 2022 chỉ tô đậm thêm tình trạng bấp bênh về sinh kế của người lao động vốn dĩ đã tồn tại từ trước đó. 

Tình trạng việc làm trong một số ngành công nghiệp gia công, chế biến đã luôn bất ổn. Đây là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như phụ thuộc vào nguồn cung đến từ các thị trường lớn. Trên các mặt báo, thỉnh thoảng lại xuất hiện tin tức về việc các nhà máy phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân công. Đã có trường hợp các công ty nước ngoài đột ngột đóng cửa và chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong khi còn nợ lương và tiền BHXH của người lao động. Hơn nữa, trong quá trình làm việc, khi người lao động còn thiếu tiếng nói và khả năng thương lượng, họ càng dễ rơi vào những trường hợp như không được ký hợp đồng chính thức, bị quản lý chèn ép, giảm lợi ích tại nơi làm việc, giảm giờ làm, bị buộc ký hợp đồng ngắn hạn (kể cả khi họ đã có hợp đồng không thời hạn), hoặc cho thôi việc. Một số nhóm như lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ, hay lao động trên 35 tuổi, còn bị phân biệt đối xử bởi những định kiến về khả năng và năng suất làm việc của nhóm lao động này.

Nhưng không chỉ luôn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, kể cả khi có việc, những người lao động này cũng sống trong hoàn cảnh chật vật, khó khăn. Đây là đề tài đã được thảo luận rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, các báo cáo và khảo sát nhưng vẫn không có thay đổi nào đáng kể. Tuy Nhà nước áp dụng tăng lương tối thiểu vùng hằng năm, vẫn còn một khoảng cách không nhỏ giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Với mức lương tối thiểu hiện tại, một cựu lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng con số này vẫn còn thấp hơn 15% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy rằng trên thực tế, người lao động thường được trả công cao hơn mức lương tối thiểu, số tiền chênh lệch chủ yếu đến từ việc tăng ca. 

Các số liệu năm 2021 ước tính rằng thu nhập bình quân ở TP. Hồ Chí Minh vẫn còn thấp hơn 12% so với thu nhập đủ sống. Theo một khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, có khoảng 30% người lao động không có tiền tiết kiệm và thường xuyên phải vay mượn để chi trả cho các chi phí sinh hoạt thường ngày trong gia đình. Đời sống của người lao động di cư càng đặc biệt khó khăn khi họ phải chi trả tiền trọ và chịu phí điện nước cao hơn, đồng thời gặp rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ công về y tế và giáo dục ở các tỉnh và thành phố mà họ chuyển đến. Tiền tích lũy vốn đã ít, nhiều lao động di cư còn có trách nhiệm cấp dưỡng cho cha mẹ và người thân ở quê nhà.

Đối với nhóm lao động này, việc rút khoản tiền đóng BHXH là một trong những giải pháp giúp họ trang trải khó khăn trong cuộc sống. Một nghiên cứu của tôi năm 2018 cho thấy, với đồng lương thấp, chi phí sinh hoạt cao và tiền tích lũy ít, người lao động xem số tiền đóng BHXH, số tiền mà một phần trong đó đến từ công sức lao động của họ, là tiền để dành của chính bản thân mình. Vì vậy, sau khi đã xoay xở bằng nhiều cách khác nhau, họ có mong muốn chính đáng được nhận số tiền đó khi thu nhập bị giảm sút hoặc khi có phát sinh thêm chi tiêu trong gia đình. Số tiền rút ra thường được sử dụng để trả nợ, cũng như chi trả cho việc chăm sóc và giáo dục con cái, khám chữa bệnh và nhà ở. Có nhiều lao động dùng số tiền đó để tìm cách khác mưu sinh, như buôn bán nhỏ, làm việc tự do, kinh doanh hộ gia đình, hoặc về quê sinh sống.

Nhiều người lao động không thể chờ lương hưu

Trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tháng 3/2023, chế độ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là một trong những vấn đề ưu tiên trong lần sửa đổi luật lần này và đang được dư luận rất quan tâm. Hiện trạng gia tăng số người rút BHXH đang đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong những năm gần đây. Vì chế độ hưu trí là trụ cột của hệ thống an sinh, việc gia tăng số người lao động rời bỏ hệ thống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho nhà nước và xã hội trong việc chăm sóc và hỗ trợ nhóm người không có nguồn thu nhập khi về già.

Nhà nước đã đề xuất một số biện pháp để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn và tạo thuận lợi để họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Nhóm đề xuất thứ nhất là giảm lợi ích từ chế độ BHXH một lần: Người lao động chỉ có thể rút khoản tiền mà họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được Nhà nước giữ lại và được sử dụng để chi trả một phần lương hưu sau này. Điều này được xem là sẽ giúp hạn chế việc rút tiền sớm và giữ người lao động ở lại trong hệ thống lưới an sinh được lâu hơn.

Sửa đổi Luật BHXH: Đừng chỉ quan tâm đến phần ngọn - Ảnh 2.

Tuy nhiên, đề xuất này mới chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa suy xét đến căn nguyên của hiện trạng gia tăng rút BHXH một lần nằm ở tình trạng bấp bênh về đời sống và việc làm của người lao động. Đa số luôn coi tiền đóng BHXH là chỗ dựa về kinh tế, là khoản "cứu vớt" họ trong tình cảnh cùng cực lúc nào cũng chực chờ. Chỉ những ai chứng kiến cảnh sống chật vật, thiếu trước hụt sau của công nhân ở các khu nhà trọ mới thấu hiểu được số tiền đó có ý nghĩa với họ như thế nào. Với suy nghĩ rằng số tiền đóng BHXH là tiền của mình, người lao động cảm thấy họ đáng được tiếp cận với số tiền đó để trang trải cho bản thân và gia đình khi cần thiết. Việc hạn chế lợi ích hưởng BHXH một lần không những không khiến cho người lao động ngừng rút bảo hiểm (vì cuộc sống không cho họ lựa chọn nào khác) mà còn có khả năng tạo ra phản ứng trái chiều từ người lao động, khi nó ảnh hưởng đến quyền lợi mà họ cho là chính đáng. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), vừa được công bố vào tháng 3/2023. Theo đó, người lao động có thể yêu cầu rút tiền một lần sau 12 tháng không tham gia BHXH và tổng số năm tham gia là dưới 20 năm, nhưng họ chỉ được giải quyết tối đa không quá 50% số tiền đóng vào quỹ. Dù vậy, dự thảo vẫn có một phương án là giữ nguyên quy định hiện hành.

Nhóm đề xuất thứ hai hướng đến việc giảm số năm tham gia hệ thống để được hưởng lương hưu, từ 20 năm xuống còn 15 năm, và về lâu dài là 10 năm. Có ba lý do cho đề xuất này. Thứ nhất, đối với những lao động tham gia hệ thống BHXH khá trễ, đề xuất này sẽ giúp họ có đủ điều kiện hưởng lương hưu. Thứ hai, đề xuất này cũng phản ánh thực tế là tổng thời gian làm việc của công nhân trong các ngành sản xuất, chế biến thường không dài. Chẳng hạn như ở các công ty may mặc và giày da, doanh nghiệp thường tìm cách để sa thải lao động lớn tuổi (thường là những người trên 35 tuổi). Nhóm lao động này lại gặp bất lợi khi tìm việc làm mới bởi đa phần doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ. Vì vậy, lao động trong những ngành này thường khó tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH. Việc giảm số năm tối thiểu được xem là sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiều người tiếp cận lương hưu và làm cho lương hưu nhìn chung hấp dẫn hơn. Thứ ba, thống kê cho thấy đa phần những người lao động đã rút BHXH một lần có tổng thời gian tham gia trung bình là hơn 10 năm. Việc giảm số năm đóng xuống còn 15 năm sẽ "kéo" họ gần hơn với chế độ hưu trí.

Tuy nhiên "kéo" gần hơn không có nghĩa là đã đúng với thực tế. Nhiều người lao động không thể chờ lương hưu không chỉ vì không đủ số năm đóng tối thiểu, mà chờ đến lúc lĩnh tiền – tức đến tuổi hưu theo quy định – là quá lâu. Chúng ta dễ dàng thấy, một nữ công nhân điển hình trong ngành may mặc nếu làm việc liên tục và đóng BHXH từ năm 20 tuổi thì đến năm 40 tuổi, cô đã tích lũy đủ 20 năm tham gia, nhưng cô phải đợi đến 55 tuổi mới được nhận lương hưu. Nhiều công nhân không có ý định làm việc trong nhà máy đến tận tuổi hưu, vì sức khỏe và năng suất của họ sẽ giảm đi sau nhiều năm lao động nặng nhọc và vất vả.

 Theo lời của Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, là doanh nghiệp giày da có nhiều lao động nhất TP. Hồ Chí Minh được trích dẫn trên báo VnExpress, hằng năm có khoảng 500 đến 600 công nhân lớn tuổi, nhất là những người từ 40 tuổi trở lên, xin nghỉ việc ở công ty. Theo quy định hiện hành, khi người lao động đã đóng BHXH đủ 20 năm, họ không được phép rút BHXH một lần mà phải đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu. Trong những công nhân xin nghỉ việc ở Pou Yuen, có trường hợp người lao động xin nghỉ khi chỉ còn thiếu vài tháng là đủ 20 năm đóng BHXH; hay nói cách khác, họ lựa chọn thời điểm xin nghỉ trước khi số tiền đóng BHXH bị giữ lại trong hệ thống và không còn được phép rút ra nữa. 

Có thể thấy tâm lý chung của người lao động là "rút tiền trước chắc ăn" hơn là "ráng đóng cho đủ năm để hưởng lương hưu". Trong bối cảnh tay nghề và tuổi nghề của người lao động chưa cao, việc tuổi nghỉ hưu đang được tăng theo lộ trình của Luật Lao động lại càng "đẩy" họ xa hơn với chế độ hưu trí.

Đề xuất giảm thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm đã được đưa vào dự thảo luật. Mặc dù vậy, người lao động vẫn có thể rút BHXH một lần nếu tổng thời gian tham gia hệ thống là dưới 20 năm. Điều đó nghĩa là, đối với những lao động đã tham gia từ 15 năm đến 20 năm, họ đủ điều kiện hưởng lương hưu, đồng thời vẫn có lựa chọn rút BHXH một lần. Một câu hỏi còn bỏ ngỏ là, làm sao để giữ chân nhóm lao động này tiếp tục ở lại với hệ thống? Nếu một trong những mục tiêu là giữ chân người lao động ở lại với hệ thống, thì tác động của đề xuất nêu trên vẫn còn chưa rõ ràng. Về lâu dài, nếu Nhà nước không có những thay đổi đáng kể các chinh sách về an sinh xã hội, tạo sự minh bạch và công khai việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH, có những biện pháp chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp vi phạm, thì người lao động vẫn sẽ có xu hướng lựa chọn nhận tiền BHXH để phòng thân hơn là gửi gắm cho nhà nước.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Với mục đích chính là tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, cơ quan soạn thảo luật cần khảo sát và lắng nghe một cách sâu rộng ý kiến của họ trước khi ban hành luật, nhằm đảm bảo pháp luật đi vào đời sống và mang lại lợi ích thiết thực. Việc sửa đổi luật theo hướng giữ chân người lao động ở lại với hệ thống an sinh là cần thiết; tuy nhiên cần có những giải pháp đồng bộ hơn thay vì chỉ tập trung giải bài toán trước mắt là hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Quá trình cải cách hệ thống an sinh cần hướng đến hai mục tiêu. Thứ nhất là củng cố lòng tin của người lao động đối với hệ thống bằng cách tăng cường thực thi pháp luật BHXH nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của họ. Thứ hai là cải thiện đời sống của người lao động. Cần có những chính sách giúp lao động thu nhập thấp và lao động di cư tiếp cận tốt hơn với những dịch vụ xã hội.

Song song với những mục tiêu đó, Công đoàn các cấp cũng cần nâng cao vai trò đại diện của công đoàn để giúp người lao động có tiếng nói tốt hơn tại nơi làm việc về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...