A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu là phù hợp

Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, thay vì qui định về tuổi nghỉ hưu hãy thay bằng năm tối thiểu để được hưởng lương hưu, năm đóng càng cao thì mức hưởng càng lớn.

Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu

Góp ý đề xuất này, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động cho rằng là không khả thi. Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Tôi không hiểu vì sao phải hạn chế rút BHXH 1 lần. Không thể có chuyện vỡ quỹ được vì mỗi năm người lao động đóng 25% x 12 tháng = 300%, là 3 tháng lương nhưng khi rút 1 lần thì chỉ được 1.5 tháng/năm làm việc (trước 2014) và 2 tháng (từ 2014 trở đi), như vậy người rút BHXH 1 lần càng nhiều thì quỹ càng dư ra chứ. Nếu lo họ trở thành gánh nặng xã hội thì cũng không đúng, hiện nay chỉ người trên 80 tuổi mới được trợ cấp 380.000 đồng/tháng, mấy ai sống đến 80 tuổi, mà khoản tiền này cũng quá nhỏ, không thể là "gánh nặng" cho xã hội được".

Quy định năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu là phù hợp - Ảnh 1.

Bạn đọc Nguyễn Trung đặt câu hỏi: "Tại sao không cho người đóng BHXH có quyền chủ động trong việc được hưởng lương hưu của mình. Ví dụ thay vì qui định về tuổi nghỉ hưu hãy thay bằng năm tối thiểu để được hưởng lương hưu, năm đóng càng cao thì mức hưởng càng lớn. Như vậy người lao động sẽ chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia BHXH mà không cần phải vận động đóng như bây giờ. Liệu còn bao nhiêu người đóng BHXH sống đc đến năm 62 tuổi để hưởng được lương hưu?".
 

Bạn đọc có nickname Tranvandauscnbt@Yahoo.com góp ý: "Người ta góp ý làm ơn tiếp thu dùm. Quyền lợi là của người lao động không phải của người làm luật. Tính lương hưu nhân văn và khả thi nhất là căn cứ vào số năm đóng BHXH, vì số năm đóng là tiền tích lũy của người lao động. Còn tuổi không có ý nghĩa nhiều. Ví dụ người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi đến 60 tuổi là 45 năm rồi, còn người kia tham gia lúc 40 tuổi thì đến 60 tuổi chỉ có 20 năm thôi. Vì vậy nên tính số năm đóng BHXH để tính lương hưu cho người lao động mà không bàn đến tuổi hưu. Ví dụ đóng 15 năm hưởng 30%, 20 năm 45% .... 80%. Theo bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn, cơ quan soạn thảo Luật BHXH nên nghiên cứu tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu theo hình thức đa tầng? Người lao động có hợp đồng lao động trong và ngoài nhà nước thì nên theo chế độ nghỉ hưu như trước đây là nam 60 tuổi nữ 55 tuổi ai có nguyện vọng nghỉ hưu thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu để hưởng lương hưu".

Để giảm rút BHXH 1 lần, bạn đọc Nguyễn Phước Hậu góp ý: "1. Giữ nguyên số năm đóng BHXH là 20 năm mới được lãnh lương hưu. 2.Tuổi lãnh lương hưu do người lao động chọn theo khung qui định". Theo các chuyên gia lao động, để ngăn rút BHXH một lần, Nhà nước cần có chính sách tín dụng cho người lao động có nhu cầu vay tiền với lãi suất ưu đãi để họ giải quyết khó khăn, không phải rút BHXH một lần. Với bạn đọc Trần Thị Lại, giảm năm đóng BHXH cũng không ngăn được làn sóng rút BHXH 1 lần mà phải giảm tuổi nghỉ hưu. "Nên đưa vào luật lao động người lao động đã đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam chưa đến tuổi thì người lao động được nghỉ hưu mà không phải giám định sức khỏe" –bạn đọc này nói.

Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Nên thiết kế lại định mức đóng, hưởng, thời gian đóng, thời gian hưởng đừng theo lối mòn xưa cũ trong khi điều kiện xã hội hiện nay đã khác. Độ tuổi làm việc chỉ là căn cứ để quy định tất cả những người lao động trong tuổi này phải đóng BHXH. Còn nghỉ hưu thì nên để cho người lao động tự quyết định căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe bản thân và người thân. BHXH không bảo đảm được điều kiện làm việc, công việc xuyên suốt quá trình lao động cho người lao động thì tại sao lại quy định tuổi nghỉ hưu. BHXH chỉ cần đưa ra quy định đóng bao nhiêu năm thì được lương hưu và khi người lao động đóng đủ số năm đó thì đương nhiên được nghỉ hưu, mức đóng, mức lương hưu, thời gian được lĩnh lương hưu....là đủ".

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...