Quan điểm khác nhau về 2 phương án rút BHXH một lần
Hai phương án quy định việc hưởng BHXH một lần đều có ưu nhược điểm và có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nên cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn
Tại tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi) Chính phủ gửi Quốc hội vào tháng 10-2023, được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, quy định hưởng BHXH một lần vẫn tồn tại 2 phương án.
Cụ thể, ở phương án 1, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu thì được rút BHXH một lần. Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Chính sách BHXH một lần tác động trực tiếp đến quyền lợi người lao động nên cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn phương án thực hiện
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cả 2 phương án đều có ưu nhược điểm riêng. Theo đó, phương án 1 dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động và dần khắc phục được tình trạng rút BHXH một lần. Trong những năm đầu, số người hưởng BHXH một lần giảm không nhiều, nhưng càng về sau, nhất là từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, giúp người lao động được hưởng tối đa quyền lợi BHXH dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu.
Đối với phương án 2, người lao động vẫn có thể hưởng BHXH một lần nhưng vẫn ở lại hệ thống do còn thời gian bảo lưu. Nếu tham gia tiếp người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi trong dài hạn và đảm bảo sự ổn định của hệ thống. Tuy nhiên, phương án này có khả năng gia tăng số người rút BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực vì cảm thấy bị giảm quyền lợi trước mắt; chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; tình trạng rút BHXH khi còn trẻ tiếp tục tái diễn.
TS Nguyễn Thị Bích, Trưởng bộ môn Luật lao động Trường ĐH Luật TP HCM, ủng hộ phương án 2 bởi phương án 1 đang đi ngược lại với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập mạnh mẽ trên thị trường quốc tế thì chính sách này có thể là một rào cản khi chưa thực thi đúng bản chất về chức năng an sinh xã hội của BHXH. Nhìn từ góc độ người lao động thì ngoài việc hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này còn bổ sung thêm nhiều chính sách hưu trí xã hội, cộng thêm phần hưởng 50% từ BHXH một lần sẽ phần nào giải quyết được nhu cầu trước mắt cho người lao động và hơn hết là quyền lợi hưởng hưu trí, tử tuất vẫn được đảm bảo hơn. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn việc giải quyết 50% thời gian đóng BHXH còn lại trong trường hợp người lao động không tiếp tục tham gia BHXH.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM
TS Đinh Thị Chiến, giảng viên Trưởng ĐH Luật TP HCM, lại có quan điểm khác. Bà Chiến cho rằng phương án 2 mang tính nửa vời vì không giải quyết được triệt để vấn đề rút BHXH một lần trong tương lai. Phương án này cũng không giới hạn số lần rút BHXH một lần mà chỉ giới hạn tối đa trong một lần rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Việc cho người lao động rút tối đa 50% dẫn đến hệ quả khi đến tuổi nghỉ hưu, nhiều người sẽ không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng hoặc có mức lương hưu thấp, không đảm bảo an sinh tuổi già. "Do đó, phương án 1 sẽ tốt hơn cho giải pháp BHXH một lần"- bà Chiến nhìn nhận.
Theo Ths Nguyễn Vân Trang, Giảng viên khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn, trong bối cảnh hiện tại, phương án 2 có tính khả thi hơn nhưng cần có sự điều chỉnh. Theo đó, nên sửa quy định thành: "Sau 3 tháng không tiếp tục đóng BHXH nhưng chưa đủ 15 năm đóng, nếu người đóng có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và giải quyết một lần duy nhất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH". Bên cạnh đó, nên bổ sung quy định cho phép người lao động hoàn trả số tiền BHXH một lần đã nhận kèm theo "lãi" tương ứng lãi suất đầu tư của quỹ BHXH công bố hàng năm. Cơ chế này giúp người lao động giải quyết khó khăn trong ngắn hạn và mở ra cơ hội bảo toàn thời gian đã đóng BHXH để được thụ hưởng lương hưu tốt hơn khi về già.