A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động

Người đã tham gia BHXH bắt buộc đủ 35 năm, nên cho họ được chọn lựa nguyện vọng tiếp tục hoặc nghỉ việc mà không phải chờ đợi đúng tuổi nghỉ hưu như hiện nay.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ LĐ-TB-XH, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.

Góp ý cho đề xuất này, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc. Phần lớn ý kiến cho rằng Luật BHXH cần điều chỉnh một số bất cập, nhất là quy định về độ tuổi nghỉ hưu và số năm đóng BHXH để giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh.

Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động - Ảnh 1.

Bạn đọc Cao Đồng nhận xét: "Tôi thấy nhiều báo nói là rút bảo hiểm một lần thì thiệt thòi cho người lao động, rồi về già thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội, chỉ có báo Người Lao Động mới hiểu rõ và quan tâm đến người lao động. Bạn đọc Minh Dũng bày tỏ: "Cơ quan soạn thảo luật nên đi vào các nhà máy làm công nhân lao động trực tiếp thì biết ngay tuổi nghỉ hưu là bao nhiêu ngay thôi, nhất là những nơi làm ca kíp thức đêm thức hôm". Bạn đọc Vũ Đức Thành nêu thực tế: "Nơi tôi công tác là trường tiểu học có thầy cô dạy trên 30 năm mà lương chưa được 10 triệu đồng/tháng. Họ đang tính ngày để xin về trước tuổi. Nhà trường không sắp xếp họ vào đâu được, phải đứng lớp mà già yếu quá chỉ tội cho các em".

Theo bạn đọc Nguyễn Quyết, cơ quan soạn thảo phải thật sự lắng nghe ý kiến của các tầng lớp người lao động. Phải đặt mình vào hoàn cảnh, điều kiện của người lao động để soạn thảo chính sách. Tránh phân biệt đối xử về tuổi, chế độ hưởng lương hưu như hiện nay thì xã hội sẽ phát triển bền vững. Bạn đọc Phạm Tuấn Anh góp ý: "Cái cần ở đây là đa tầng tham gia quỹ bảo hiểm và đa tầng mức hưởng lương hưu.và giảm tuổi nghỉ hưu là thứ quan trọng nhất với người lao động. Sao không quy định mức hưởng và mức đóng đa dạng hơn, tiền lương ít hay nhiều là do người lao động tự chọn. Ví dụ người lao động có thể chọn mức đóng 2 triệu đồng/tháng trong vòng 20 năm và khi tròn 20 năm không cần biết bao nhiêu tuổi có quyền lấy lương hưu hàng tháng và có thể quy định mức lương hưu lúc nhận là 35%hay 40%, 50%, 60%,75% tùy vào mức đóng và thời gian đóng, thời gian nhận lương hưu có phải dễ dàng hơn không".

Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động - Ảnh 2.

Một bạn đọc tên Dũng đề xuất: "Luật nên sửa theo hướng lương hưu căn cứ vào số năm đóng bảo hiểm. Áp dụng đa tầng không nên căn cứ vào tuổi hưu luật lao động sẽ bị khoảng trống làm khó người lao động". Theo bạn đọc Châu Văn Bình, tuổi nghỉ hưu quá dài chỉ áp dụng cho người ngồi văn phòng còn công nhân trực tiếp sản xuất thì 60 là quá nhiều. Và chế độ đóng bảo hiểm, nếu đóng bảo hiểm 30 năm đến lúc nghỉ hưu thì cộng tất cả những năm đã đóng bảo hiểm chia bình quân là chưa hợp lý".

Với bạn đọc Phạm Dương, chỉ có giảm tuổi nghỉ hưu thì người lao động mới mong được cầm sổ hưu. Thực tế, những người lao động nặng nhọc mà đợi đến tuổi như Luật BHXH quy định thì chắc 1.000 người thì may ra được 100 người được lĩnh lương thôi. Bạn đọc Phan Lưu góp ý: "Theo tôi không nên giới hạn tuổi nghỉ hưu mà chỉ nên đóng đủ 35 năm vào Quỹ BHXH thì hưởng hưu trí 75%, thiếu năm thì bị trừ %. Có như vậy mới hấp dẫn người lao lao động yên tâm đóng vào quỹ". Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Thanh Lâm đề xuất: "Người đã tham gia BHXH bắt buộc đủ 35 năm, nên cho họ được chọn lựa nguyện vọng tiếp tục hoặc nghỉ việc mà không phải chờ đợi đúng tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Rất mong Chính phủ xem xét, bổ sung và ban hành Luật BHXH phù hợp với điều kiện của người lao động hiện nay".

Hơn 62% trong 1.300 công nhân tham gia khảo sát của Liên đoàn lao động TP Hồ CHí Minh cuối năm 2021 cho biết họ lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sau khi mất việc. Còn hơn 44% trong một nửa lao động tham gia khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội quyết định rút BHXH một lần cho biết, khoản tiền này sẽ dùng cho chi tiêu gia đình. Lựa chọn này dễ hiểu vì tích lũy của công nhân sau thời gian dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã đến lúc cạn kiệt.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...