A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người nghỉ hưu trước tháng 4.1993 mòn mỏi chờ lương hưu tăng

Mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tháng 4.1993 hiện vẫn đang được áp dụng theo Nghị định 31/2004/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 14.2.2004. Đã hơn 18 năm, những người nghỉ hưu trước tháng 4.1993 vẫn mòn mỏi chờ lương hưu tăng.

Phản ánh tới Báo Lao Động, ông V.T (sinh năm 1934) - từng là đại tá Không quân nhân dân Việt Nam cho biết, hiện tuổi đã cao, nhiều người cùng về hưu trước tháng 4.1993 như ông đã mất. Tuy nhiên, qua 18 năm, Chính phủ vẫn chưa có động thái tăng lương hưu cho đối tượng này.

Làm liên lạc viên chiến đấu từ năm 1947 khi mới 13 tuổi, sau đó, ông T. chuyển sang bộ đội không quân. Tháng 11.1990, ông T. nghỉ hưu khi 57 tuổi. Lúc này, ông T. được nhận lương hưu khoảng 590.000 đồng/tháng. Đến thời điểm hiện tại, lương hưu của ông là 12,9 triệu đồng mỗi tháng.

Vợ ông T. là giáo viên trung học cơ sở, nghỉ hưu năm 1988 được nhận chế độ hưu trí hơn 300 ngàn đồng, đến nay, lương hưu được hơn 4 triệu đồng/tháng. Tổng lương hưu của vợ chồng ông T. gần 17 triệu đồng/tháng, nhưng theo ông, tuổi cao sức yếu, riêng tiền thuốc men của ông và vợ đã lên đến hơn 10 triệu đồng. Dù con cái chu cấp thêm, ông cũng phải ăn uống chắt bóp.

Ông T. cho hay, không chỉ ông mà những người lao động về hưu năm đó nhận lương hưu rất thấp. Ông hy vọng, sắp tới, Chính phủ có sự điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp cho những người nghỉ hưu trước tháng 4.1993.

"Những người về hưu trước tháng 4.1993 như tôi đa số đều đã bước qua tuổi 80. Ở tuổi này, có nhiều người cùng về hưu như tôi đã mất. Quốc hội khoá XV năm 2021 đã có ý kiến về việc tăng lương hưu cho những người về hưu trước tháng 4.1993 nhưng đến nay vẫn im lìm. Đã hơn 18 năm, có phải Chính phủ đã "quên" tăng lương hưu cho chúng tôi?" - ông T. trăn trở.

Hiện mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước tháng 4.1993 vẫn đang được áp dụng theo Nghị định 31/2004/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 14.2.2004. 

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 34/2021/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (thông qua ngày 13.11.2021) nêu rõ: Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Sau 4 lần cải cách tiền lương, tiền lương của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn;

Việc điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc vẫn chưa độc lập với việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; việc thể hóa chủ trương của Đảng về tiền tệ hóa các chế độ ngoài lương còn chậm...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết