Ngăn “làn sóng” rút BHXH một lần: Ai tuyển dụng động lớn tuổi?
Theo nhiều bạn đọc, cần xây dựng chính sách hưu trí đa tầng để áp dụng cho từng đối tượng tham gia BHXH để phù hợp với điều kiện làm việc, môi trường làm việc.
Theo Ban Thực hiện chính sách BHXH, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm. Qua khảo sát, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi.
Đề cập đến thực trạng này, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập hiện hành của Luật BHXH, trong đó tập trung vào các vấn đề như độ tuổi nghỉ hưu và lương hưu. Bạn đọc Nguyễn Trung góp ý: "Quy định tuổi nghỉ hưu cao nhưng lại không có quy định nào bảo vệ người lao động (NLĐ) lớn tuổi. Khi NLĐ đã bước sang tuổi 40, 50 là doanh nghiệp (DN) đã kiếm cách sa thải, thử hỏi lấy đâu việc làm rồi đóng tiếp bảo hiểm cho đến nghỉ hưu chứ?". Tương tự, bạn đọc Võ Thế Dũng chia sẻ: "Tiền NLĐ thì nên trả cho NLĐ. 35 tuổi là DN kiếm chuyện cho nghỉ việc rồi chứ ở đó mà đợi đến 50, 60 tuổi".
Cùng góc nhìn, bạn đọc Huỳnh Thị Mai bộc bạch: "Các ý kiến đóng góp rất hay nhưng không biết có tới được Bộ LĐ-TB-XH, hay BHXH không?". Theo bạn đọc tên Huỳnh, cái chính là NLĐ chật vật từng ngày kiếm cơm, việc làm không có, DN giải thể. Nếu không giải quyết được vấn đề đó thì họ rút BHXH 1 lần. Một bạn đọc tên Dương đề xuất: "Thay vì ngăn rút BHXH thì nên cấm công ty sa thải công nhân, chỉ tuyển đúng số lượng theo quy mô, tránh trường hợp tuyển 1.000 sau đó cắt hợp đồng 500; đồng thời điều chỉnh mức lương theo lạm phát. Một khi công việc ổn định, mức lương đáp ứng được cuộc sống thì không ai dạy mà rút BHXH 1 lần".
Bạn đọc Hữu Huỳnh nhận xét: "NLĐ phản ánh quá đúng cần soạn thảo đúng giá trị bản chất ngành nghề công việc cho hợp lý, chứ không thể cào bằng tuổi nghỉ hưu nam 62 nữ 60". Còn với bạn đọc Trần Phương, cứ đóng bao nhiêu năm, thì được hưởng tương ứng. Quy định năm tối thiểu và năm trần là được. Tương tự, bạn đọc Hoàng Chinh góp ý: " Theo tôi thì nam hay nữ cứ 55 tuổi thì có nhu cầu nghỉ thì cho nghỉ, chưa đủ tuổi thì hưởng thấp hơn". Cùng góc nhìn, bạn đọc Trần Duy Tân đề xuất: "Theo tôi nghĩ, cứ đóng BHXH đủ 25 năm, là được nhận lương hưu, vì các công ty doanh nghiệp họ không giữ NLĐ lớn tuổi".
Bạn đọc Bùi Ái Việt góp ý: "Tôi nghĩ để thu hút NLĐ tham gia BHXH, luật BHXH phải đứng về phía NLD. Hiện Luật BHXH quy định độ tuổi được nghỉ hưu mà không bị trừ % lương hưu là quá cao so với sức khỏe người Việt, không chỉ nhóm lao động trí óc, đặc biệt là lao động chân tay. Trong cơ chế thị trường, DN không muốn sử dụng lao động ở vùng tuổi 55-62 vì lương cao, năng suất thấp, chậm, trì trệ nên nguy cơ mất việc, thải loại nhiều. Khi đó không biết xin việc gì vì điều kiện tuổi tác. Đã thế nghỉ hưu sớm thì bị trừ 2%/ năm. Vậy thì ai muốn tham gia vì biết kết quả cuối không sáng sủa. Vậy nên giảm tuổi hưu từ 62/60 về như cũ".