Nên tăng lương cơ sở từ đầu năm 2023
Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ Nội vụ, chủ yếu là do tiền lương ở khu vực công quá thấp, chưa tạo động lực cho đội ngủ cán bộ, công chức, viên chức.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri 10 ở Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin: Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian thực hiện từ 1-7-2023. Trước đề xuất này, nhiều công chức, viên chức mong muốn được tăng lương từ ngày 1.1.2023 thay vì ngày 1.7.2023. Bởi, do tác động của dịch bệnh, việc cải cách tiền lương cho công chức, viên chức những năm qua đã phải chậm trễ.Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV tới đây sẽ có nội dung bàn về việc cải cách tiền lương. Đây là tin vui đối với người lao động, vì chủ trương cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở là giải pháp cần làm gấp.
Bạn đọc Nguyễn Văn Hương góp ý: "Tháng 7-2023 tăng lương cơ sở cho công chức 20,8%, tháng 1/2022 vừa rồi đã tăng lương hưu 7,4%, như vậy người nghỉ hưu tăng lương hưu thua công chức, viên chức còn làm việc 13,4%, Đề nghị tháng 7/2023 tăng lương hưu thêm 13,4% cho công bằng với công chức, viên còn làm việc".
Bạn đọc Đặng Tuấn Huỳnh chia sẻ: "Lúc dịch COVID-19 cao điểm 2020 – 2021, những người hưởng lương đồng ý không tăng lương 2 năm. Nay hết dịch, nhịp sống trở lại bình thường cũng là lúc xăng dầu, vật giá leo thang, đời sống công chức, viên chức và người về hưu càng khó khăn, đề nghị nên tăng lương sớm từ đầu năm 2023".