A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lương tối thiểu giờ nên đề xuất cao hơn

Cần nghiên cứu thực tế để đưa ra mức lương tối thiểu giờ phù hợp hơn với mức sống của người lao động trong thị trường lao động nhiều biến độn

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiền lương, lao động, việc làm sau đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về các mức lương tối thiểu (LTT) giờ theo 4 vùng. Theo đó, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ. Các chuyên gia cho rằng mức LTT theo giờ này quá thấp, có thể khiến người lao động (NLĐ) bị chủ sử dụng lao động ép trong quá trình thương thảo thu nhập.

Lạc hậu

Anh Nguyễn Hoàng Duy Anh (24 tuổi, quê Cần Thơ) có hơn 5 năm gắn bó với công việc phụ bếp bán thời gian tại một nhà hàng Nhật trên địa bàn TP Thủ Đức (TP HCM). Mỗi tối, anh làm từ 4 đến 5 giờ, với mức tiền công là 50.000 đồng/giờ. "Thu nhập mỗi tháng của tôi từ 5 đến 6 triệu đồng, vừa đủ để trang trải chi phí sinh hoạt" - Duy Anh cho biết.

Duy Anh nói mức tiền công anh nhận được cũng là mức phổ biến mà các nhà hàng trả cho NLĐ. Được hỏi về mức LTT giờ do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, Duy Anh lắc đầu: "Chi phí sinh hoạt ở TP (thuộc vùng 1) vốn đắt đỏ, nếu nhà hàng trả tôi mức 22.500 đồng/giờ thì chắc chắn tôi sẽ tìm công việc khác" - Duy Anh nói.

Phục vụ cho một quán ăn tại ở Gò Vấp, TP HCM, anh Tô Hữu Thanh (21 tuổi, quê Đồng Nai), sinh viên năm 2 tại Trường Đại học Văn Lang, TP HCM - được trả công 35.000 đồng/giờ, chưa kể được tặng một bữa ăn miễn phí. Với Thanh, khoản thu nhập này là chấp nhận được với một sinh viên ngoại tỉnh. "Khi trả lương cho nhân viên bán thời gian, chủ quán cũng đã tính toán kỹ bởi nếu trả quá thấp thì tìm không ra người" - anh Thanh bày tỏ.

Chị Lưu Thị Lựu (43 tuổi, quận 12, TP HCM) đăng ký làm việc theo giờ trên ứng dụng Jupviec. Với công việc giúp việc nhà, chị được trả 40.000 đồng/giờ, còn nếu chăm sóc em bé thì được trả 50.000 đồng/giờ. Mỗi ngày, chị làm từ 8-9 giờ, thu nhập khá ổn định. Khi chúng tôi đề cập mức LTT theo giờ ở vùng 1, chị Lựu nói: "Đặc thù công việc ở ngành nghề khác nhau, mức tiền công 22.500 đồng cho mỗi giờ là không tương xứng với sức lao động bỏ ra".

Ở góc độ người sử dụng lao động, ông Phạm Bảng, Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh Đạt (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết mức lương theo giờ mà ông trả cho các nhóm thợ trong nhiều năm nay chưa bao giờ thấp hơn 50.000 đồng/giờ. "Do đặc thù kinh doanh, tôi thường xuyên sử dụng lao động bán thời gian cho công việc bốc xếp và trả lương cho họ theo giờ. Ban ngày thì tôi trả 60.000 đồng/giờ, còn ban đêm là 80.000 đồng/giờ và phụ cấp ăn khuya" - ông Bảng cho biết.

Lương tối thiểu giờ nên đề xuất cao hơn - Ảnh 1.

Cần tính mức lương giờ cho từng nhóm ngành nghề, thời gian làm việc, đặc thù công việc để bảo đảm quyền lợi người lao động. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Cần sát với thực tế

Là chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực lao động, việc làm, bà Phạm Lan Khanh, sáng lập và điều hành mạng lưới việc làm FreelancerViet, cho biết áp dụng mức LTT theo giờ là đi đúng xu hướng của nhiều nước phát triển như Anh, Đức, Nhật Bản, Mỹ,... Mỗi nước có cách tính và mức tính khác nhau tùy theo thực tế của từng nước.

"Với sự đa dạng của thị trường lao động hiện nay và sẽ còn thay đổi mạnh mẽ nữa trong tương lai thì đề xuất LTT giờ là cần thiết. Tuy nhiên, mức mà Bộ LĐ-TB-XH đề xuất là khá thấp so với thực tế đời sống của nước ta và cũng là rất thấp so với các nước vừa kể trên" - bà Khanh thông tin.

Bà Khanh kể ở Nhật Bản, thù lao làm việc trong 1 giờ vào khoảng 160.000 đến 200.000 đồng. So với giá thực phẩm hiện tại ở Nhật, làm một giờ có thể mua đủ lượng thức ăn 3 ngày cho một người ăn. Nếu chúng ta lấy mức cao nhất trong đề xuất này là 22.500 đồng/giờ thì có thể chỉ mua được một bữa ăn hiện tại ở Việt Nam. Như vậy, mức đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH là quá xa rời so với thực tế.

Tham khảo từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ông Hồ Văn Tâm, sáng lập và điều hành InTalents (Tân Bình, TP HCM), cho biết về nguyên tắc, tiền LTT theo giờ ước tính theo tỉ lệ tương ứng với tiền LTT tháng để bảo đảm NLĐ làm việc toàn thời gian và bán thời gian được đối xử bình đẳng. Tham khảo cách tính của một số nước, họ giới hạn số giờ làm việc hoặc ngày làm việc/tuần của việc làm bán thời gian so với số giờ làm việc toàn thời gian để tránh áp dụng LTT giờ tràn lan và bất bình đẳng tiền lương.

Đây được xem là vấn đề cần lưu ý để tránh các trường hợp chủ sử dụng lao động lợi dụng chính sách trả lương theo giờ thấp để áp dụng trả cho NLĐ một cách bất bình đẳng và ép NLĐ. "Mức LTT tháng hiện tại đã thấp, do vậy LTT giờ phải cao hơn mới phù hợp. Mục đích của LTT giờ là bảo vệ quyền lợi cho NLĐ không có việc làm ổn định, bấp bênh, nếu tính ngang bằng với LTT tháng hiện nay sẽ thiệt thòi cho NLĐ" - ông Tâm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia lao động tiền lương, trên cơ sở mức sống, mức giá chi tiêu sinh hoạt hiện nay, mức LTT giờ nên nằm ở mức 35.000-50.000 đồng là phù hợp. Cũng cần tính mức lương giờ cho từng nhóm ngành nghề, thời gian làm việc, đặc thù công việc... để công bằng cho sức lực, trí lực của NLĐ bỏ ra.

Không nên máy móc

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho rằng thế giới đã có quy định tiền LTT theo giờ từ rất lâu, Việt Nam đi sau về quy định này thì nên tính toán cách tính cho phù hợp, không thể áp dụng máy móc theo kiểu lấy LTT tháng chia cho số ngày và số giờ làm việc ra kết quả LTT giờ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...