A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Linh hoạt tuổi nghỉ hưu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2022/NĐ-CP ngày 18-10-2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức (CBCC) giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Theo nghị định này, CBCC nữ giữ các chức vụ, chức danh thứ trưởng các bộ và tương đương thứ trưởng sẽ có thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không vượt quá 60 tuổi, trong đó có Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP HCM; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban Đảng của Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP HCM; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy là người dân tộc thiểu số…

Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của CBCC nữ theo Nghị định 83/CP là phù hợp xu thế phát triển, phù hợp tâm tư, nguyện vọng của đối tượng thực hiện. Chủ trương này không chỉ góp phần hạn chế tình trạng lãng phí chất xám, nhân lực của đội ngũ CBCC nữ khi họ đang còn sức khỏe, sung sức trong công việc, mà còn là động lực để họ cống hiến nhiều hơn trong quãng thời gian còn lại của một đời làm việc. Đồng thời, cũng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, địa phương; thuận tiện hơn cho công tác bố trí cán bộ, không gây khó cho tổ chức và người thực thi trong giải quyết vướng mắc về thời gian công tác - nhiệm kỳ và độ tuổi…

Hoan nghênh chủ trương này, song từ đây có thể nhìn lại về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Trong số hơn 40 triệu lao động xã hội hiện nay, có hàng triệu lao động nữ làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, trong những ngành nghề thâm dụng lao động. Họ thường vào nghề sớm và chỉ đến tuổi 40-45 đa số lao động nữ đều đã sút giảm sức khỏe, không thể đáp ứng yêu cầu công việc như trước, trong khi để đến tuổi về hưu (đủ 55 hiện nay và đủ 60 vào năm 2035) là quãng đường còn rất dài. Tình trạng này, xét cho cùng, cũng là một gánh nặng cho các doanh nghiệp, khó khăn khi bố trí nhân lực trong sản xuất - kinh doanh. Chính những người trong cuộc cũng tự thấy điều đó, song nhiều người không dám nghỉ việc, bởi rời nhà máy sẽ rất khó tìm việc khác bên ngoài có thu nhập bảo đảm cuộc sống khi tuổi đã cao, không làm nghề phù hợp. Ở lại, làm việc không đạt năng suất, bố trí việc khác thì họ dễ tâm tư, không có động lực làm việc. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt trên thương trường, không ít DN đã sắp xếp lại sản xuất, chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động nữ trong diện này…

Pháp luật lao động có quy định những người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi. Tuy nhiên, người làm trong những ngành thâm dụng lao động, như lao động nữ làm việc trong ngành dệt may, da giày… vẫn chưa là nhóm được nghỉ hưu sớm hơn. Do đó, cần xem xét cho đối tượng này được nghỉ hưu sớm và giải quyết linh hoạt, không cứng nhắc chờ đúng tuổi. Việc họ không chờ được, xin nghỉ sớm trước 45 tuổi, nhận trợ cấp thôi việc, rồi sau đó là quãng đời dài không có lương hưu, mất đi một khoản bảo đảm an sinh xã hội quan trọng, là điều đáng tiếc. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...