Kỳ vọng từ 16 nghị quyết của TP HCM
16 nghị quyết mà HĐND TP HCM vừa thông qua được kỳ vọng như đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố phát triển
Ngày 18-4, HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề). Dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Những nghị quyết mà HĐND TP HCM thông qua lần này rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
Chú trọng nhiều lĩnh vực
Tại kỳ họp, HĐND thành phố xem xét, biểu quyết thông qua 16 nghị quyết quan trọng. Trong lĩnh vực y tế, có thể kể đến nghị quyết về chủ trương đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã với tổng vốn 296 tỉ đồng. Ở lĩnh vực giao thông, HĐND TP HCM có nghị quyết về chủ trương đầu tư đối với dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên Quốc lộ 13 với tổng vốn hơn 133 tỉ đồng; dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên Quốc lộ 1 với tổng vốn 111 tỉ đồng.
HĐND thành phố cũng thống nhất điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn cân đối ngân sách thành phố với tổng vốn hơn 8.800 tỉ đồng. Đồng thời, thống nhất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương. Cụ thể, điều chỉnh giảm hơn 185 tỉ đồng do không còn nhu cầu sử dụng trong năm 2023; điều chỉnh, bổ sung hơn 26.900 tỉ đồng.
Các nghị quyết về chống ngập khu Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè; khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (giai đoạn 3); tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí di tích lịch sử trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán… cũng là những dấu ấn quan trọng trong kỳ họp này.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp
Khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nhận xét việc thông qua các nghị quyết trên sẽ giúp TP HCM phát triển hạ tầng về lâu dài và là đòn bẩy kích thích cho kinh tế. Đại biểu Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết rất tâm đắc các chủ trương đầu tư công trình về văn hóa, lịch sử, di tích cũng như các dự án phát triển hạ tầng giao thông được đưa ra tại kỳ họp lần này. Trong đó, dự án chống ngập khu Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè rất quan trọng, thể hiện thái độ trân trọng của TP HCM với các cán bộ lão thành cách mạng tại khu dưỡng lão.
Nói về 2 nghị quyết quy định mức thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với hoạt động đăng ký do cơ quan địa phương thực hiện) bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đại biểu Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho hay đó là những nội dung rất quan trọng. Từ nguồn thu này, thành phố sẽ đầu tư cho hoạt động hiện đại hóa công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai, nâng cao ứng dụng công nghệ số, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ, 16 nghị quyết mang tính cấp thiết. Quá trình triển khai nghị quyết sẽ giúp thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.
Để các nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt. Việc triển khai phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực của trung ương và địa phương.
Khẩn trương với dự án rạch Xuyên Tâm
Thông tin tiến độ dự án rạch Xuyên Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết dự án được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư, cơ quan chức năng đang tiến hành các công việc tiếp theo. Khi HĐND thành phố bố trí vốn, dự án sẽ được triển khai ngay.
Dự kiến trong năm nay, thành phố sẽ hoàn thiện các pháp lý và tiến hành khởi công một đoạn của rạch Xuyên Tâm tại quận Gò Vấp và đến ngày 30-4-2025 sẽ hoàn thành. Sau đó thực hiện đoạn qua quận Bình Thạnh.
Cần cái nhìn đa chiều về cán bộ TP HCM
Bên lề kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ về câu chuyện cán bộ, công chức hiện nay.
Theo Bí thư Thành ủy, sự e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức là điều thành phố cần sớm khắc phục. Tuy nhiên, những lo ngại ấy không hoàn toàn vô lý trong bối cảnh mặc dù hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn sự không đồng bộ. Thành phố đang rà soát các văn bản, thống kê, phân loại từng nhóm và làm rõ thẩm quyền. Từ kết quả này, lãnh đạo thành phố sẽ thấy rõ phía sau từng đề xuất, trường hợp nào đang gặp vướng mắc, trường hợp nào e ngại, sợ sệt, báo cáo vượt cấp.
Bí Thư thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ với báo chí
"Thành phố không chấp nhận các vấn đề tiêu cực, tránh né hay thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, các vấn đề dư luận đặt ra vừa rồi cần được nhìn đa chiều, trong bối cảnh cán bộ địa phương gặp tình trạng quá tải vì khối lượng công việc và các nguyên nhân khách quan khác" - Bí thư Thành ủy nêu quan điểm. Theo ông, hiện tại, thành phố chỉ khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ làm những gì có thể. Có những việc khi thanh tra, kiểm tra, điều tra thì lại đối chiếu quy định pháp luật chứ không đối chiếu vấn đề khác. Do vậy, cần văn bản pháp luật để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung khi có rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết TP HCM đang xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Nghị quyết mới căn cứ trên 2 nghị quyết 24/2022 và 31/2022 và của Bộ Chính trị. Những nghị quyết này giao cho TP HCM sứ mệnh rất lớn, điều kiện và phương tiện để thực hiện là Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận 14 đã chỉ rõ sự thật, nhu cầu bức bách của cuộc sống. Kết luận này cũng thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị. Hiện TP HCM và các địa phương khác chờ Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ cụ thể hóa bằng những văn bản pháp luật để có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.