Hành vi trục lợi từ các chuyến bay đưa công dân về nước phải bị lên án, trừng trị
“Tất các hành vi trục lợi, tiêu cực, làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay đưa công dân về nước phải bị lên án, trừng trị nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 20/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, với phương châm lấy người dân làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hàng không Việt Nam và nước ngoài. Trong gần 2 năm qua, Việt Nam đã tổ chức 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu về nước từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ”.
Trong gần 2 năm qua, Việt Nam đã tổ chức 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu về nước.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, nhằm góp phần khôi phục phát triển xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt đáp ứng nhu cầu về quê đón Tết của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ vào tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương, các hãng hàng không để tổ chức các chuyến bay đưa người dân về nước theo nguyện vọng của công dân.
Từ ngày 1/1/2022, Việt Nam đã nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay Cục hàng không đang tiến hành đàm phán, trao đổi với các đối tác để mở lại đường bay tiếp theo tới Australia và châu Âu, hỗ trợ người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể chủ động kế hoạch về nước.
Tháng 1/2022, trên cơ sở ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Công An, Chính phủ đã đồng ý với việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân chỉ cần có giấy miễn thị thực còn giá trị, kể cả được cấp từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 là được giải quyết nhập cảnh, không phải làm thủ tục kiểm tra nhân sự cấp thị thực, giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành, địa phương. Đây là chủ trương đúng đắn để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho kiều bào cũng như nhân thân về nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về nghi vấn trục lợi từ các chuyến bay giải cứu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn, nhân đạo của đảng, Nhà nước và chính phủ Việt Nam. Điều này cần phải đặt trong bối cảnh trong nước có thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn phối hợp chặt chẽ với cơ trong nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nguyện vọng về nước, đăng tải công khai, minh bạch điều kiện, hồ sơ cũng như thủ tục đăng ký trên website chính thức và cả trên mạng xã hội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, để tránh tình trạng công dân bị lừa đảo, lợi dụng, chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khuyến cáo công dân không liên hệ với các cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.
“Tất các hành vi trục lợi, tiêu cực, làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay đưa công dân về nước phải bị lên án, trừng trị nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.