A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giám sát để không "tham nhũng chính sách" khi thi hành luật

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, một quy định pháp luật có chất lượng tốt, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu nhưng thực thi không tốt thì vẫn có thể phát sinh tham nhũng chính sách.

Ngày 24-1, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Luật này đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, ngày 11-1, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3-2022.

Tại buổi họp báo, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Giám sát để không tham nhũng chính sách khi thi hành luật - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu các điểm sửa đổi, bổ sung của luật - Ảnh: Minh Thường

Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, việc một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung lần này dựa trên nguyên tắc sửa đổi, bổ sung những vướng mắc lớn đã được phát hiện, tổng kết và đã "chín" thời gian qua. 

Ông Hiếu nhấn mạnh đây là những vướng mắc mà "không thể không sửa". Trong năm 2021, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã tích cực chuẩn bị cho dự án luật này trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua.

Trả lời báo chí về vấn đề có nên xem xét sử dụng một luật sửa nhiều luật thường xuyên hơn không, ông Phan Chí Hiếu cho biết với quan điểm cá nhân, ông cho rằng nên hạn chế, không nên lạm dụng kỹ thuật lập pháp này. Bởi theo ông Hiếu, việc một luật sửa nhiều luật chỉ áp dụng sửa đổi một số nội dung cụ thể, đã được nhận diện đầy đủ, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Hơn nữa, việc áp dụng kỹ thuật lập pháp này khá phức tạp.

Trước một số ý kiến băn khoăn khi luật này sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, nếu không đánh giá kỹ tác động sẽ dẫn đến "tham nhũng chính sách", Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh các chính sách lớn, các quy định cụ thể của dự án luật đã được đánh giá, tổ chức lấy ý kiến đầy đủ.

Mặt khác, các điểm sửa đổi, bổ sung đều là những nội dung tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nên ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh không có trục lợi chính sách.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho rằng có thể một quy định của pháp luật rất là tốt, nhưng trong quá trình chúng ta tổ chức thi hành không chặt chẽ, không có cơ chế để kiểm soát tham nhũng chính sách, thì những chính sách tốt, được chuẩn bị công phu này vẫn có khả năng phát sinh tham nhũng chính sách.

"Trong quá trình thực thi, tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan hết sức lưu ý đến vấn đề tham nhũng chính sách và có các biện pháp để hạn chế tối đa"- Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Tại luật này, đã sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55,56 và 57 cả Luật Thi hành án dân sự theo hướng làm rõ hơn trường hợp "uỷ thác thi hành án từng phần" trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản.

Cụ thể, trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản để thực hiện.

Làm rõ nội dung này, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết thời gian qua, việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỉ lệ thấp. Mặc dù những năm gần đây, có sự chuyển biến, nhưng tính trung bình cũng rất thấp, chỉ đạt 10% trên tổng số tài sản tham nhũng của các vụ án.

"Chính phủ đã phát hiện ra một điểm nghẽn, đó là theo quy định hiện hành, trong một số trường hợp thi hành án chúng ta phải xử lý xong tài sản trên địa bàn thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác để được thi hành án trên địa phương khác. Tính trung bình, mỗi vụ việc để xử lý tài sản khoảng 6 tháng, nếu trong vụ án có 6 vụ việc thì chúng ta kéo dài đến 3 năm. Luật lần này đã tháo gỡ bằng cách bổ sung cơ chế mới là cho phép đồng thời xử lý tài sản trên 6 địa phương có tài sản. Như vậy, thời gian để xử lý tài sản thi hành được rút ngắn, là giải pháp quan trọng để tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hồi tài sản tham nhũng"- ông Đỗ Đức Hồng Hà cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...