A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm năm đóng thì phải giảm tuổi hưởng

Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của người lao động khi tham gia vào hệ thống an sinh này.

Hơn 62% trong 1.300 công nhân tham gia khảo sát của LĐLĐ TP HCM cuối năm 2021 cho biết họ lựa chọn nhận BHXH một lần sau khi mất việc. Còn hơn 44% trong một nửa lao động tham gia khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội quyết định rút BHXH một lần cho biết, khoản tiền này sẽ dùng cho chi tiêu gia đình.

Theo các chuyên gia lao động, lựa chọn này dễ hiểu vì tích lũy của công nhân sau thời gian dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã đến lúc cạn kiệt. Trong nỗ lực giữ người lao động ở lại hệ thống an sinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất là quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.

Giảm năm đóng thì phải giảm tuổi hưởng - Ảnh 1.

Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phản ánh những bất cập của Luật BHXH hiện hành cũng như ghi nhận ý kiến đóng góp của độc giả nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bạn đọc Đinh Văn Phúc nhận xét: "Các bài viết phân tích đúng với thực tế nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp. Mong sao Quốc hội và những người làm luật thấu hiểu".

Một bạn đọc tên Vũ chia sẻ: "Tôi năm nay 47 tuổi, đóng bảo hiểm được 15 năm, nếu hạ xuống 15 thì tôi đủ năm để hưởng hưu, nhưng chẳng may vài năm nữa công ty cho nghỉ việc thì phải chờ thêm ít nhát 12 năm nữa đủ 62 tuôi, và tuổi này công ty nào nhận nữa? Có bao nhiêu người từ 45 đến 47 tuổi mới bắt đầu đi làm hay bị đuổi ra hết khỏi công ty? Nếu muốn lo cho người lao động thì cứ để nguyên 20 năm, ai đủ 20 không đi làm nữa thì được hưởng chế độ trên số năm đóng, còn ai muốn đi làm nữa thì cứ như hiện hành". 

Tương tự, bạn đọc tên Long chua chát: "Đợi gì tới đủ 60 hay 62 tuổi. Doanh nghiệp thấy NLĐ làm có thâm niên, sức khỏe yếu và năng lực thấp là kiếm cách cho nghỉ để tuyển lao động trẻ và năng lực tốt hơn. Lúc đó công sức đóng BHXH bao nhiêu năm liệu còn tiếp tục dc hay không trong khi xin việc ở công ty khác ai mà nhận".

Theo nhiều bạn đọc, cách đơn giản và phù hợp với mọi đối tượng là nếu ai đóng đủ 15 năm BHXH và đã đủ từ 50 tuổi trở lên được quyền chọn nghỉ hưu hoặc tiếp tục làm việc. Nếu chọn nghỉ hưu thì cứ quy theo số năm đã đóng BHXH để nhận phần trăm lương hưu, làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít. 

Còn nếu ai còn sức khỏe hoặc còn được tuyển dụng thì có thể tiếp tục làm việc cho đến tối đa nam 62, nữ 60 thì nghỉ hưu và khi đó sẽ nhận được lương hưu cao hơn do thời gian đóng BHXH nhiều hơn. Và không cần phải phức tạp xem xét đối tượng nào, ngành nào thì tuổi nghỉ hưu là bao nhiêu mà hãy để người lao động tự chọn việc nghỉ hưu của mình khi đã đủ 50 tuổi và đã đóng đủ 15 năm BHXH. Vậy là công bằng cho tất cả mọi người".

Bạn đọc tên Hòa góp ý chi tiết: "Luật nên quy định số năm đóng bảo thì cho mức hưởng hưu tương ứng, không nên quy định tuổi hưu, thì sẽ hạn chế lượng người rút bảo hiểm một lần". Tương tự bạn đọc Nguyễn Ngọc Thanh, đề xuất: "Nên quy định tuổi nhận lương BHXH và tuổi hưu làm 2 hệ thống khác nhau; tuổi hưu vẫn 60 và 62, tuổi hưởng BHXH là 50 và 55 thậm chí 45 và 50 và đã đóng đủ 20 năm BHXH, không có việc làm thì được hưởng tiền lương hàng tháng mà không phải lương hưu khi đó người lao động không bao giờ rút 1 lần".

Một bạn đọc tên Huy góp ý: "Tôi rất đồng tình với việc giảm tuổi nghỉ hưu. Như tôi hiện nay đóng bảo hiểm được 33 năm mà mới 52 tuổi. Theo như quy định đến năm 2033 mới được nghỉ. Vậy thì chờ bao lâu nữa? Luật công chức không tuyển người trên 35 xin hỏi quy định mới này có liên quan đến luật công chức không. Giảm số năm đóng sẽ không khả thi, NLĐ vẫn rút 1 lần, thậm chí còn cao hơn những năm trước.

Theo bạn đọc Nguyễn Văn Đông, nếu cho lãnh lương hưu sớm thì tôi e rằng quỹ BHXH không gánh nổi. Vấn đề quan trọng cần giải quyết là bảo đảm cho người lao động lớn tuổi có việc làm ổn định. Sở dĩ các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam các xí nghiệp lắp ráp, may v.v. là do luật lao động của các nước phát triển bảo đảm việc làm cho người lớn tuổi, bắt buộc phải tuyển người lao động lớn tuổi, không được cho nghỉ ngang vì bệnh nghề nghiệp ( thí dụ ngành may là bệnh đau cột sống, mắt giảm thị lực) các bệnh này làm giảm năng suất, sai sót nhiều hơn.

Luật BHXH sửa đổi phải tăng tính hấp dẫn

Theo Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để hạn chế tình trạng trên, cần phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn bởi tất cả trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần khi họ mất việc làm. Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của người lao động khi tham gia vào hệ thống an sinh này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...