A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Được tính hưởng trợ cấp thôi việc

Nếu trong thời gian bạn đọc Lê Bá Thanh nghỉ việc để điều trị tai nạn lao động được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật thì được tính là thời gian làm việc thực tế khi hưởng trợ cấp thôi việc

LÊ BÁ THANH (quận Tân Bình, TP HCM) hỏi: "Tôi làm việc tại công ty từ năm 2015 đến nay. Năm 2019, tôi bị tai nạn lao động (TNLĐ) và phải nghỉ điều trị hơn 3 tháng. Nếu tôi nghỉ việc thì thời gian nghỉ điều trị do TNLĐ có được tính là thời gian làm việc thực tế để hưởng trợ cấp thôi việc (TCTV) không?".

Ông TRẦN VĂN TRIỀU, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, trả lời: Khoản 3 điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thời gian làm việc để tính TCTV, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động (NLĐ) đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV, trợ cấp mất việc làm.

Trong đó, tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ bao gồm: thời gian NLĐ đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc, được cử đi học, nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được NSDLĐ trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của NLĐ; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện NLĐ và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của Bộ Luật Lao động. Như vậy, nếu trong thời gian ông Thanh nghỉ việc để điều trị TNLĐ mà được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động thì được tính là thời gian làm việc thực tế khi hưởng TCTV.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...