A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để Luật Công đoàn đi vào đời sống

Thực tế phát sinh nhiều vấn đề mới cần sự điều chỉnh phù hợp của Luật Công đoàn để không ngừng nâng cao hiệu quả, củng cố uy tín của tổ chức Công đoàn

 
 

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Trong lần sửa đổi này, dự thảo luật có những sửa đổi đáng chú ý như cho phép người làm việc không có quan hệ lao động được gia nhập, hoạt động Công đoàn; bổ sung quy định về quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; hoàn thiện các quy định về cơ chế tài chính... Đây cũng là các vấn đề được nhiều cán bộ Công đoàn, đoàn viên quan tâm tại các buổi góp ý luật.

Còn nhiều băn khoăn

Tán thành với hầu hết nội dung mà dự thảo luật nêu ra, tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần xem xét đến những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn hoạt động Công đoàn để có các điều chỉnh phù hợp.

Ông Trần Thanh Lộc (bên trái) - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương (quận 12, TP HCM) - trao đổi, lắng nghe ý kiến của đoàn viênẢnh: CAO HƯỜNG

Ông Trần Thanh Lộc (bên trái) - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương (quận 12, TP HCM) - trao đổi, lắng nghe ý kiến của đoàn viên.Ảnh: CAO HƯỜNG

Tiêu biểu như việc bổ sung thêm nghiệp đoàn (NĐ) cơ sở vào hệ thống tổ chức Công đoàn. Theo ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch LĐLĐ quận 10, TP HCM, hiện nhóm lao động phi chính thức chiếm tỉ lệ khá cao. Những năm qua, tổ chức Công đoàn đã nỗ lực đưa họ vào NĐ để chăm lo, hỗ trợ. Tại TP HCM, NĐ phát triển rất nhanh, tập hợp người lao động (NLĐ) ở nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, việc bổ sung NĐ vào hệ thống tổ chức Công đoàn nên được tính đến.

Bà Tôn Nữ Quỳnh Như, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam (quận 4, TP HCM), cho rằng Bộ Luật Lao động năm 2019 có quy định về việc cho thuê lại lao động - NLĐ giao kết hợp đồng với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp (DN) cho thuê lại lao động, sau đó NLĐ được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác. 

Với nhóm lao động này, họ chỉ được tham gia tổ chức Công đoàn của công ty cho thuê lại lao động. Nhưng thực tế, bên cho thuê lại lao động hoàn toàn không biết các hoạt động của đơn vị thuê lại lao động và tình hình thực tế của NLĐ tại đơn vị đó. "Tôi cho rằng nên cho NLĐ thêm quyền gia nhập tổ chức Công đoàn nơi mà họ làm việc, để dễ dàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ hơn" - bà Như đề xuất.

Còn bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, tổ chức đại diện NLĐ tại DN bao gồm cả tổ chức Công đoàn và tổ chức đại diện NLĐ. Đây là vấn đề mới, do vậy, bà đề nghị làm rõ các nội dung như: NLĐ có thể tham gia 2 tổ chức (Công đoàn và tổ chức đại diện NLĐ) không? Nếu người đứng đầu tổ chức đại diện NLĐ gia nhập tổ chức Công đoàn thì NLĐ là thành viên của tổ chức đó có phải gia nhập theo hay không?

Tăng độ nhận diện

Vấn đề tài chính Công đoàn là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm khi góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), kiến nghị khi sửa đổi Luật Công đoàn cần tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí Công đoàn 2%. Bởi đây chính là nguồn tài chính chủ yếu để Công đoàn tổ chức các hoạt động và thực hiện công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Việc duy trì kinh phí Công đoàn cũng là cách để thu hút đoàn viên gia nhập tổ chức, bởi thực tế không ít người gia nhập Công đoàn xuất phát từ vấn đề lợi ích.

Bên cạnh các góp ý về thu, chi tài chính Công đoàn, nhiều đại biểu cũng cho rằng tình trạng nợ kinh phí Công đoàn vẫn đang diễn ra, ảnh hưởng quyền lợi của NLĐ, cần có biện pháp xử lý. Vấn đề này cũng chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn giống như khi nợ thuế hay nợ BHXH. Có DN nợ kinh phí 3 - 4 năm, sau đó tuyên bố giải thể mà không hoàn tất khoản nợ đó dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi NLĐ. 

Vẫn có tình trạng một số DN can thiệp vào tài chính Công đoàn, như yêu cầu Công đoàn "cho mượn" kinh phí để sử dụng vào mục đích khác khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất bổ sung các biện pháp chế tài khi DN nợ kinh phí Công đoàn từ 6 tháng trở lên như thanh tra, kiểm tra; đóng phạt (có phát sinh lãi); khởi kiện, cấm chủ DN xuất cảnh với các trường hợp cố ý nợ kinh phí với số tiền lớn…

Liên quan việc củng cố vị thế của tổ chức Công đoàn, nhất là trong bối cảnh tổ chức đại diện NLĐ sẽ hình thành trong thời gian tới, có ý kiến cho rằng cần xây dựng chương trình "Phúc lợi dành cho đoàn viên" có chiều sâu, tạo sự khác biệt cho Công đoàn để thu hút NLĐ gia nhập. Cụ thể, bên cạnh mở rộng ký kết hợp tác với các đối tác, việc hình thành các điểm phúc lợi cố định, hoạt động thường xuyên tại mỗi địa phương sẽ giúp Công đoàn tăng độ nhận diện, đồng thời giúp NLĐ nhìn thấy lợi ích khi gia nhập Công đoàn. 

Trao quyền chủ động cho Công đoàn

Về quy định bổ sung về quyền, trách nhiệm của Công đoàn (như quyền phản biện, quyền giám sát) trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số đại biểu đều tán đồng. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng việc bổ sung quy định quyền giám sát giúp tăng tính chủ động của tổ chức Công đoàn, nhất là các cuộc giám sát đột xuất khi DN vi phạm pháp luật lao động.

Ông cho biết việc thanh tra, kiểm tra theo quy trình hiện nay thường kéo dài dẫn đến tổ chức Công đoàn không kịp can thiệp khi NLĐ bị vi phạm quyền lợi. Điều này dẫn đến tranh chấp, NLĐ ngừng việc không đúng quy định gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Để Luật Công đoàn đi vào đời sống- Ảnh 2.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết