A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tiến tới xây dựng Luật Lương tối thiểu

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề nghị tăng lương cơ sở cho các nhóm đối tượng có thu nhập thấp ngay từ 1-1-2023

Ngày 28-10, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) đồng tình với những đánh giá tích cực trong báo cáo của Chính phủ.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc vượt qua "cơn bão cấp độ mạnh" COVID-19 thời gian qua đã để lại nhiều bài học quý báu về năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, về tinh thần nhân văn của dân tộc ta khi đất nước gặp hoạn nạn. Đại biểu cũng nhất trí với các khuyến cáo của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đề nghị Chính phủ quan tâm sâu sắc tới các khuyến cáo này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tiến tới xây dựng Luật Lương tối thiểu - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Góp ý thêm một số kiến nghị cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh Quốc hội, Chính phủ cần cấp bách có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế để khôi phục năng lực hoạt động như thời kỳ trước COVID-19. Trong đó, quan tâm tháo gỡ các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế cũng như thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ công, các vướng mắc trong bảo hiểm y tế...

"Nếu hệ thống y tế không được củng cố ngay, cả con người và cơ sở vật chất, ngành y tế không đáp ứng vai trò, nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ người dân, mà còn không thể chống chịu  nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, hoặc xuất hiện dịch mới..."- đại biểu bày tỏ lo ngại.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị cần triển khai nhanh, có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế bởi hiện nay tiến độ giải ngân đang rất chậm, làm giảm tính hiệu quả của chương trình này.

Vị đại biểu đoàn TP HCM cũng kiến nghị có ngay nghị quyết về cải cách tiền lương, theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất và chăm lo cho gia đình. "Mức sống tối thiểu hiện nay không phải là ngày 3 bữa cơm, 1 năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp" - ông Nghĩa nêu rõ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp, không đủ cho mức sống tối thiểu, cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1-1-2023. Đặc biệt quan tâm đến lực lượng lao động trong ngành y tế, giáo dục. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, nếu không có các giải pháp nêu trên, việc vượt thu ngân sách hay tăng thu GDP bình quân đầu người theo mục tiêu đã đề ra không có ý nghĩa với người dân.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng sự bùng phát của COVID-19 đã lộ ra vấn đề nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa thể đáp ứng cả số lượng lẫn chất lượng.

Từ thực tế tại Bắc Giang - nơi có nhiều khu công nghiệp với số lượng lớn công nhân lao động, đại biểu Tuấn đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân. Bởi theo ông, quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng quan trọng này hoặc chỉ là rải rác trong một số văn bản liên quan, còn bất cập.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân đầu tư nhà ở cho công nhân thuê. Theo vị này, ở Bắc Giang hiện có 5.100 công trình nhà ở do cá nhân, gia đình xây dựng đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho 66.000 công nhân.

"Đến 2025, nếu số dự án xây dựng nhà ở đáp ứng một nửa số công nhân có nhu cầu thì Bắc Giang vẫn khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân đầu tư để đáp ứng 180.000 lao động"- đại biểu Tuấn nhấn mạnh và đề nghị cần triển khai cơ chế cho các hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để xây dựng nhà ở.

Liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị có chủ trương, giải pháp khuyến khích xây và bán, bán trả góp, cho thuê nhà đối với người có thu nhập thấp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tiến tới xây dựng Luật Lương tối thiểu - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu

Thảo luận về vấn đề y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh hiện nhân lực y tế chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công. Công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.

Để hoàn thành các mục tiêu chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nhân dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức với ngành y tế trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục.

"Trong lúc chưa thể sửa đổi các văn bản pháp luật, đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp cấp bách, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ ngay"- đại biểu kiến nghị.

Nữ đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do vượt tổng mức thanh toán.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...