A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ muốn sửa Luật Báo chí trong năm 2025

Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Báo chí (sửa đổi).

Chiều muộn 26/11, trong khuôn khổ chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 29 (lần 2), Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đề nghị bổ sung một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo quy trình một kỳ họp đối với Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Đồng thời, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đối với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Báo chí (sửa đổi) và Luật Luật sư (sửa đổi).

Chính phủ muốn sửa Luật Báo chí trong năm 2025
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh

Trong đó, về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với 2 chính sách cơ bản.

Cụ thể, quy định về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó việc miễn thuế sử dụng thuế đất nông nghiệp đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; quy định về thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, theo đó xác định thời gian miễn thuế là 5 năm (tiếp tục miễn thuế từ ngày 1/1/2026 đến hết 31/12/2030).

Đối với, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chính phủ đề xuất xây dựng luật với 3 chính sách trọng tâm, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bổ sung một số nguyên tắc về kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu hẹp, xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ muốn sửa Luật Báo chí trong năm 2025
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Đồng thời, dự án tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời phản ứng chính sách; xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện một số quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; bảo đảm nguồn lực, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân với 4 chính sách; dự án Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách và dự án Luật Báo chí (sửa đổi) với 3 chính sách cơ bản.

Trong đó, Chính phủ thống nhất về đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 như tờ trình của Chính phủ.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; khắc phục bất cập hạn chế, đáp ứng yêu cầu phát triển; tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn về tính cấp thiết và thứ tự ưu tiên của các dự án luật, dự thảo Nghị quyết nhằm đảm bảo tính khả thi.

Liên quan tới thời điểm trình, thứ tự ưu tiên, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự án Luật Báo chí (sửa đổi), các ý kiến đều nhất trí như đề xuất của Chính phủ về bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...