A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thiết ban hành mới Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Việc ban hành mới Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới. Đây là nhận định chung của các đại biểu tại hội thảo góp ý dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 6/5.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 9 Chương, 65 Điều, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Qua nghiên cứu nội dung dự thảo Luật, các đại biểu đánh giá đơn vị chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, cập nhật các nội dung phát sinh từ thực tiễn vào dự thảo. Đây là một Luật rất quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, việc xây dựng và ban hành luật mới nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thực tiễn.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc ban hành luật mới với việc bổ sung nội dung về cứu nạn, cứu hộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phải quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang thực hiện. Cùng với đó, việc ban hành mới Luật này sẽ khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra như: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy; việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện; xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, lực lượng cơ sở và dân phòng… Trong đó, dự thảo Luật này cần bổ sung ở Điều 1 quy định phạm vi điều chỉnh có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Từ góc độ đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng Phòng PC07, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhất trí và tán thành cao việc đưa vào luật mới nội dung cứu nạn, cứu hộ nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn. Một điểm quan trọng khác, dự thảo Luật mới cũng có nội dung quy định chuyển tiếp (Điều 65) theo hướng giao cho HĐND cấp tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở tồn tại trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực, mà hiện nay đang còn tồn tại các khó khăn vướng mắc trên địa bàn quản lý.

Góp ý về dự thảo Luật, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng cho rằng, khoản 3, Điều 42 (về nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành) cần được điều chỉnh thành "tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ sở, địa bàn quản lý; các cơ sở, địa bàn khác khi có yêu cầu" thay vì “tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu” như trong dự thảo hiện nay.

Ông Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay số lượng hàng hóa thông qua cảng biển tương đối cao do đó nguy cơ cháy nổ khu vực cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh tương đối lớn. Với sự đề cao phương châm 4 tại chỗ nhằm giảm thiểu thiệt hại về con người và tài sản cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn, thời gian qua công tác phòng cháy chữa cháy trong khu này được thực hiện hiệu quả. Nhất trí với nội dung dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhưng Cảng vụ còn băn khoăn về phạm vi áp dụng của Luật này có bao gồm cả ngành hàng hải không hay chỉ trong phạm vi dân sinh. Bởi trong các quy định pháp luật chuyên ngành về hàng hải hiện nay đã có những quy định cụ thể về công tác này./.

Thu Hoài


Tác giả: Lý Thu Hoài
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...