BHXH TỰ NGUYỆN: Tạo cơ hội cho người dân thụ hưởng
Để tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện trong bối cảnh còn một tỉ lệ lớn lao động phi chính thức không có BHXH, nhiều địa phương đã tăng mức hỗ trợ với người tham gia
BHXH Việt Nam cho biết đến đầu tháng 9-2022, cả nước có hơn 17,16 triệu người tham gia BHXH, bằng 34,67% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 2,36 triệu người so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng với mức tăng 15,96%. Trong số này, người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,5 triệu.
Phát triển người tham gia đang chững lại
Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), 6 tháng đầu năm 2022, BHXH nhiều địa phương phát triển người tham gia BHXH khá tốt nhưng đến tháng 7 và 8 có dấu hiệu chững lại, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Đại diện BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.
Lãnh đạo BHXH TP Hà Nội cho biết dù tình hình phát triển người tham gia đạt kết quả tích cực nhưng còn tăng chậm, việc thực hiện các chỉ tiêu của HĐND thành phố, UBND thành phố giao còn không ít khó khăn. Thống kê của BHXH TP Hà Nội cho thấy tính đến ngày 31-8, toàn thành phố có 66.228 người tham gia BHXH tự nguyện, bằng 1,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này tăng không đáng kể so với cuối năm 2021 (chỉ tăng 2.924 người), còn quá xa so với mục tiêu phát triển thêm hơn 45.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2022. Điều đáng lo ngại là hiện có 10/30 quận, huyện, thị xã giảm số người tham gia so với cuối năm 2021.
Trong khi đó, dư địa để phát triển BHXH tự nguyện ở TP Hà Nội khá lớn, vì thành phố còn gần 3 triệu người, chủ yếu là lao động tự do. Lý giải tình trạng trên, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết từ năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo chuẩn nghèo tăng lên nên những trường hợp khó khăn chưa có điều kiện tham gia chính sách này. Ngoài ra, ở một số nơi, các cơ quan chức năng chưa dành sự quan tâm đúng mức đến việc triển khai chính sách, khiến người dân chưa hiểu rõ tính ưu việt của BHXH tự nguyện để chủ động tham gia…
Cán bộ BHXH TP HCM tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Ảnh: MAI CHI
Còn nhiều dư địa
Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Từ ngày 1-1-2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021. Sự điều chỉnh trong mức đóng tối thiểu khi tham gia BHXH tự nguyện khiến nhiều người cân nhắc lại việc tham gia.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an sinh cho rằng công tác phát triển BHXH tự nguyện còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó các đối tượng lao động tự do có thu nhập không ổn định còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Khi tham gia BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách còn thấp, quyền lợi hưởng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài 20 năm. Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa, cho rằng do sự thay đổi chuẩn nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng cao ít nhiều gây khó khăn trong tuyên truyền, vận động người tham gia. Để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, các cơ quan chức năng TP Hà Nội chú trọng đưa chính sách vào đời sống bằng nhiều giải pháp thiết thực, linh hoạt. Tháng 7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện giai đoạn 2022-2025 và ngày 31-8, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 234/KH-UBND để triển khai. Theo đó, từ ngày 1-8-2022 đến hết ngày 31-12-2025, người lao động có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia sẽ được hỗ trợ mức đóng cao gấp đôi so với quy định chung (tối đa 60%, tối thiểu 20%), tương ứng chỉ cần 132.000 đồng/tháng, nhiều trường hợp sẽ có tên trên hệ thống BHXH.