Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Vòng đời lao động ngắn lắm
Theo các chuyên gia lao động, điều quan trọng nhất là cần phải cân đối lại tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng 15 năm đóng, làm sao để có mức sàn nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu.
Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên.
Trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng rút BHXH một lần, ở Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Tại các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội TP HCM mới đây, rất nhiều cán bộ Công đoàn và công nhân đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành, tập trung vào các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, lương hưu; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để cơ quan soạn thảo luật tiếp thu, chỉnh sửa Luật BHXH.
Liên quan đến đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bạn đọc Văn Minh bày tỏ: "Mấy ai hiểu được cái khổ của lao động chân tay? Nếu không đảm bảo được công việc cho người lao động thì làm ơn đừng ràng buộc tuổi nghỉ hưu mà chỉ nên quy định số năm đóng BHXH, thời gian đóng càng lâu thì % hưởng BHXH càng cao. Ví dụ: Cứ quy định đóng tối thiểu là 20 năm thì hưởng bao nhiêu %, từ mốc đó tính lên đóng càng lâu thì hưởng % BHXH càng cao".
Theo bạn đọc Thành Long, tuổi nghỉ hưu nên qui định mềm. Ví dụ: Nam từ 60 -65 tuổi; nữ: 55-60 tuổi, vào tuổi đó tùy theo sức khỏe mà xin nghỉ hưu hay làm tiếp cho đến tuổi tối đa theo quy định, vì sức khỏe và công việc mỗi người khác nhau. Bạn đọc Trần Tiến phân tích: "Rất ít người có độ tuổi trên 45 tuổi xin được việc làm nếu không có mối quan hệ quen biết, hoặc là những người có tay nghề kỹ thuật cao, chuyên gia. Phương án trên này chỉ có lợi cho BHXH bởi lao động phổ thông khó xin viêc sau 45 tuổi. Ngành BHXH đã có nghiên cứu tổng thể về lĩnh vực này chưa? Giáo viên mầm non 55 tuổi mắt mờ chân run có đủ sức khỏe, linh hoạt để hướng dẫn trẻ? Bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh không còn đủ sức khỏe để trực đêm, hồi sức cấp cứu, tiêm truyền cho người bệnh".
Bạn đọc Phạm Uyên hài hước: "Lao động chân tay như chúng tôi 40 tuổi xương khớp đã đau nhức, rã rời hết rồi, chỉ mong được nghỉ sớm thôi. Vậy mà phải chờ đến 20 thậm chí hơn 20 năm nữa chắc là thành cát bụi cả rồi". Một bạn đọc giấu tên góp ý: "Tuổi lao động như Bộ Luật lao động cũ là tốt nhất, nữ 55 và nam 60! Ai muốn làm thêm thì đăng ký, chứ 60 và 62 tuổi thì còn năng suất lao động gì nữa! Hãy nhường chỗ cho lớp trẻ".
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Hùng ấm ức: "45-50 tuổi cứ xuống làm công nhân đi, xem có trụ nổi 1 tuần không. Người lao động chân tay tới cái tuổi đấy mắt mờ, chân chậm rồi cũng không làm được việc nên các doanh nghiệp họ cũng tìm cách loại bỏ hết. Nên để nam 55 nữ 52 tuổi được hưởng lương hưu, chứ đợi đến 62 tuổi mới được hưởng thì từ 50 đến 62 tuổi lấy gì mà ăn. Một bạn đọc tên Phi quả quyết: "Phải giảm tuổi nghỉ hưu xuống, còn nếu không thì chẳng thay đổi được gì.
Bạn đọc Lê Văn Hoàng góp ý: "Cần phải có 1 người đại diện tổng hợp thành 1 kiến nghị ý kiến đầy đủ, sâu sát và được nhiều người ủng hộ nhất để nêu lên tại cuộc họp Quốc hội tháng 10-2023 tới này xem xét biểu quyết. Nếu không mọi ý kiến cũng chỉ là ý kiến. Vì một khi luật Dự thảo được thông qua thì khó mà sửa được".