|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung Quốc chiếm hơn 30% thị phần một số mặt hàng công nghệ trên toàn cầu

Theo kết quả khảo sát của tờ Nikkei Asia (Nhật Bản), các công ty Trung Quốc chiếm tới trên 30% thị phần toàn cầu trong 15 sản phẩm và dịch vụ công nghệ chủ chốt.

Cuộc khảo sát của Nikkei được thực hiện trong năm 2020, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành cùng với cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên “phân mảnh”. 

Mỹ đã thúc đẩy chính sách "Mua hàng Mỹ", yêu cầu các cơ quan liên bang tăng cường mua hàng hóa do Mỹ sản xuất, đồng thời nỗ lực “hồi hương” hoạt động sản xuất các mặt hàng chiến lược như chất bán dẫn về nước.

Trước đó, năm 2020, khi đại dịch Covid-19 gây đứt gãy hoạt động logistic toàn cầu, đó là động lực lớn để các nền kinh tế trên thế giới giảm phụ thuộc vào chuỗi cung từ Trung Quốc. Nhưng thực tế lại là câu chuyện khác. Thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu đang tăng trở lại và thậm chí đã vượt ngưỡng được xác lập tại thời điểm bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018.

Trung Quốc chiếm hơn 30% thị phần một số mặt hàng công nghệ trên toàn cầu - Ảnh 1

Trung Quốc chiếm hơn 30% thị phần một số mặt hàng công nghệ toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Kết quả khảo sát của tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) cho thấy các công ty Trung Quốc chiếm tới trên 30% thị phần toàn cầu trong 15 sản phẩm và dịch vụ công nghệ chủ chốt. Thực tế này một lần nữa cho thấy những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Cụ thể, loa thông minh, điện thoại thông minh, camera giám sát, máy tính cá nhân, máy điều hòa không khí gia đình và máy giặt là những mặt hàng mà Trung Quốc chiếm thị phần từ 30% trở lên.

Nikkei đã khảo sát 70 nguyên vật liệu, thành phần cốt lõi, thành phẩm và dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế toàn cầu. Danh sách này bao gồm các sản phẩm có nhu cầu tăng cao khi nền kinh tế dần trở nên “xanh hơn", ví dụ như tấm pin năng lượng Mặt Trời và pin ôtô điện, và các lĩnh vực liên quan đến sự chuyển dịch kỹ thuật số, chẳng hạn như dịch vụ đám mây.

Đáng chú ý, tập đoàn sản xuất pin và module năng lượng Mặt Trời LONGi Solar (Trung Quốc) dẫn đầu thị trường tấm pin năng lượng Mặt Trời trong năm 2020, trong khi tập đoàn sản xuất ôtô FAW Group (Trung Quốc) chiếm thị phần lớn trong phân khúc xe tải cỡ lớn và cỡ trung.

"Người khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies cũng giữ vị trí đầu bảng về số lượng trạm phát sóng mạng di động tốc độ cao 5G, mở rộng thị phần lên gần 40% ngay cả khi Mỹ kêu gọi các các quốc gia khác “quay lưng” với nhà cung cấp này vì lo ngại về bảo mật.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Counterpoint Research, các thương hiệu điện thoại Trung Quốc chiếm khoảng 50% thị phần tại Việt Nam. Đây là số liệu về lượng điện thoại được đưa vào thị trường, chưa phải số sản phẩm đến tay người dùng cuối.
Cụ thể, theo thống kê trong quý II/2021, 3 trong 5 thương hiệu smartphone có thị phần lớn nhất tại Việt Nam là các thương hiệu Trung Quốc, gồm: Xiaomi , Oppo và Vivo . Các thương hiệu này chiếm ít nhất 45% thị phần. Hai thương hiệu nổi bật còn lại – Samsung (Hàn Quốc) và Apple (Mỹ) – chiếm khoảng 44%.

Nguyễn Luận (T/h)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết