Petrovietnam triển khai an toàn hoạt động SXKD, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm thông suốt
Trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đơn vị thành viên phấn đấu triển khai an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), đầu tư, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm được thông suốt trong các kịch bản đặt ra về diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở nước ta...
Tại Hà Nội, Petrovietnam vừa tổ chức giao ban trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị thành viên để cập nhật tình hình ứng phó dịch Covid-19, đánh giá kết quả SXKD 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác những tháng còn lại của năm 2021.
Trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021, Petrovietnam đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ SXKD với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động; duy trì an toàn, hiệu quả, thông suốt các mặt hoạt động. Việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 đã bám sát kế hoạch đề ra và thích ứng với nhu cầu thị trường.
Đáng chú ý, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn vượt cao so với kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 347,8 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch 7 tháng và bằng 71% kế hoạch năm, tăng 25% so với cùng kỳ 2020. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 50,9 nghìn tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch 7 tháng và bằng 82% kế hoạch năm, tăng 32% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 27,1 nghìn tỷ đồng, vượt 286% kế hoạch 7 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.
Cụm giàn Hải Thạch - PQP
Tập đoàn cũng nỗ lực thực hiện tiết giảm chi phí, với tổng giá trị đạt 1.911,5 tỷ đồng, bằng 70,1% kế hoạch năm 2021. Đặc biệt, có 9 đơn vị đã hoàn thành lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm bao gồm: Công ty mẹ - PVN, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Rusvietpetro, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans), Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil).
Đến nay, Petrovietnam đã và đang tiếp tục cố gắng cao nhất trong việc tiếp cận và đăng ký nguồn vaccine ngừa Covid-19 để người lao động sớm được tiêm phòng. Các đối tượng được ưu tiên tiêm chủng gồm người lao động đi biển; người lao động làm công tác vận hành; người lao động của các dự án... Lãnh đạo Petrovietnam cũng đề ra phương án đưa cán bộ công nhân viên và người lao động tại các khu vực, địa bàn khó khăn tới địa điểm tiêm chủng để đảm bảo tất cả những người đủ điều kiện đều được tiêm phòng đầy đủ…
Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động SXKD của Tập đoàn trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đề nghị toàn Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là nỗ lực đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm phòng vaccine cho người lao động, bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để có thể khống chế dịch bệnh, đảm bảo thông suốt hoạt động SXKD.
Vượt qua khó khăn, trong 7 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ
Tổng kết giao ban, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định những tác động vô cùng lớn, trực tiếp của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Trong đó, đầu tiên, hiện hữu nhất là vấn đề thị trường khi toàn bộ các nhóm sản phẩm, hàng hóa của Tập đoàn như: dầu thô, xăng, dầu, khí, điện, đạm… đều bị đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cầu thị trường suy yếu mạnh...
Các đơn vị thuộc Tập đoàn cần triển khai an toàn hoạt động SXKD, đầu tư, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm được thông suốt trong các kịch bản đặt ra về diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở nước ta; đồng thời chuẩn bị các giải pháp để kịp thời tận dụng cơ hội thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Cùng với đó, ông Lê Mạnh Hùng chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị: rà soát rủi ro trong thực hiện kế hoạch, chỉ đạo hoạt động SXKD linh hoạt tùy theo biến động của thị trường. Tiếp tục theo dõi, phân tích biến động vĩ mô, thị trường để đưa ra giải pháp ứng phó cụ thể, đặc biệt là các giải pháp tài chính để đảm bảo thông suốt dòng tiền. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tháo gỡ những vướng mắc liên quan; tích cực triển khai hiệu quả các chuỗi giá trị trong Tập đoàn để chia sẻ, phát huy nguồn lực của toàn hệ thống; đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm, tối ưu chi phí, nâng cao sức cạnh tranh; tăng cường quản trị rủi ro nhằm ứng phó kịp thời, linh hoạt đặc biệt là những rủi ro hiện hữu trong tiêu thụ sản phẩm, tồn kho…
Hải Long