|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu tuần từ 22-28/7: 2 nhóm hàng nông nghiệp trong Top 10 hàng xuất khẩu lớn nhất

2 nhóm hàng nông nghiệp trong Top 10 hàng xuất khẩu; thanh long là mặt hàng xuất khẩu thứ 2... là những tin nổi bật trong điểm tin xuất khẩu tuần từ 22-28/7.

Điểm tên 2 nhóm hàng nông nghiệp trong Top 10 hàng xuất khẩu

Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm 2024 có 2 nhóm thuộc lĩnh vực nông nghiệp là gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản.

Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 7,48 tỷ USD, tăng 23,1% (tương ứng tăng 1,4 tỷ USD). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này, với 4,07 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng 803 triệu USD) và chiếm 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.

Xuất khẩu tuần từ 20-28/7: 2 nhóm hàng nông nghiệp trong top 10 hàng xuất khẩu lớn nhất
Trong 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm 2024 có 2 nhóm thuộc lĩnh vực nông nghiệp là gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản

Thủy sản cũng là nhóm hàng xuất khẩu quan trọng hàng đầu của ngành nông nghiệp với kim ngạch đạt 4,41 tỷ USD, tăng 6,2% (tương ứng tăng 259 triệu USD).

Xuất khẩu hàng thủy sản sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ là 782 triệu USD, tăng 10,5%; Nhật Bản là 704 triệu USD, giảm 1,4%; Trung Quốc là 682 triệu USD, tăng 7,4%; EU là 501 triệu USD, tăng 9,3%.

8 nhóm hàng còn lại trong Top 10 ngành hàng xuất khẩu lớn nhất, tính đến tháng 6/2024, gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 33,67 tỷ USD, chiếm tới 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 31,5% (tương ứng tăng 8,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Điện thoại các loại và linh kiện đạt 27,15 tỷ USD, tăng 11% (tương ứng tăng 2,7 tỷ USD). Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng với kim ngạch đạt 23,16 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 3,42 tỷ USD).

Dệt may với kim ngạch đạt 16,52 tỷ USD, tăng nhẹ 4,6% (tương ứng tăng 725 triệu USD). Giày dép các loại với 10,72 tỷ USD, tăng 8,8% (tương ứng tăng 867 triệu USD).

Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 7,21 tỷ USD, tăng 2,3% (tương ứng tăng 160 triệu USD). Sắt thép các loại cán mốc 6,5 triệu tấn, tăng 20,5% và kim ngạch đạt 4,78 tỷ USD, tăng 12,2%.

Máy ảnh máy quay phim và linh kiện là nhóm hàng tỷ đô có tăng trưởng cao với kim ngạch đạt 4,03 tỷ USD, tăng 50,7% (tương ứng tăng 1,35 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Top 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam

Tổng cục Hải quan vừa công bố thống kê chi tiết về xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, trị giá xuất khẩu của nước ta đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9%, tương ứng tăng 24,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu tuần từ 20-28/7: 2 nhóm hàng nông nghiệp trong top 10 hàng xuất khẩu lớn nhất
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm

6 tháng qua, cả nước ghi nhận có 6 thị trường/khu vực thị trường xuất khẩu lớn, đạt kim ngạch 10 tỷ USD trở lên, dẫn đầu là Hoa Kỳ 55,1 tỷ USD, Trung Quốc 27,7 tỷ USD, EU 24,7 tỷ USD, ASEAN 17,9 tỷ USD, Hàn Quốc 12,2 tỷ USD. Chỉ riêng 6 thị trường/khu vực thị trường này đã nhập 149 tỷ USD hàng Việt Nam.

Nửa đầu năm 2024, có 6 thị trường/khu vực thị trường xuất khẩu tăng trên 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ là thị trường có mức tăng mạnh nhất với 10,7 tỷ USD; tiếp theo là EU (27 nước) tăng 3,3 tỷ USD; ASEAN tăng 2 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,6 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 1,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, trị giá xuất khẩu trong 6 tháng/2024 của 6 thị trường/khu vực thị trường này đã tăng tới 20,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và bằng 82% mức tăng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam 11,16 tỷ USD máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 51,6%; nhập 5,5 tỷ USD điện thoại và linh kiện, tăng 34,3%; nhập 9,19 tỷ USD máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, nhập 7,21 tỷ USD, tăng 3,6% hàng dệt may, tăng 15,8%, nhập 3,84 tỷ USD giày dép, tăng 14,6%, nhập 4,07 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, tăng mạnh 24,6% so với cùng kỳ.

Tương tự, EU cũng tăng nhập khẩu hầu hết các nhóm hàng có giá trị lớn từ Việt Nam, gồm: 4,05 tỷ USD máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 52,4%; 3,49 tỷ USD điện thoại và linh kiện, tăng 1,6%; 3,33 tỷ USD máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 19,2%; 2,72 tỷ USD nhập giày dép, tăng 10,5%...

Giá xuất khẩu sắn tăng mạnh

Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến giữa tháng 7/2024, nước ta đã xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn sắn, giảm nhẹ so với con số 1,59 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này ghi nhận mức tăng mạnh với gần 684 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu tuần từ 20-28/7: 2 nhóm hàng nông nghiệp trong top 10 hàng xuất khẩu lớn nhất
Giá trị xuất khẩu sắn ghi nhận mức tăng mạnh với gần 684 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ

Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 7/2024 đến nay, giá xuất khẩu sắt lát của Việt Nam ổn định so với cuối tháng trước. Hiện giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc ở mức 250 USD/tấn; giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 300 USD/tấn.

Xét về thị trường xuất khẩu, trong tháng 6/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 87,88% về lượng và chiếm 88,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản từ sắn của cả nước. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 124,11 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 60,4 triệu USD, tăng 49,5% về lượng và tăng 56,7% về trị giá so với tháng 5/2024, tăng 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với tháng 6/2023.

6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,26 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 569,05 triệu USD, giảm 6,1% về lượng nhưng tăng 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong tháng 6/2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Malaysia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1,27 nghìn tấn, trị giá 656,25 nghìn USD, tăng 1.643% về lượng và tăng 2.049% về trị giá so với tháng 6/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Malaysia 10,92 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 5,74 triệu USD, tăng 69,6% về lượng và tăng 79,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Thanh long là mặt hàng xuất khẩu xếp thứ 2 của Việt Nam

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục duy trì vị trí số 1 về giá trị xuất khẩu với 1,323 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Thanh long là mặt hàng xếp thứ 2 với 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tuần từ 20-28/7: 2 nhóm hàng nông nghiệp trong top 10 hàng xuất khẩu lớn nhất
Thanh long là mặt hàng xuất khẩu xếp thứ 2 của Việt Nam. Ảnh:TTXVN

Cách đây chỉ vài năm, thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả. Năm 2018, kỷ lục cao nhất mà quả thanh long mang lại cho Việt Nam là gần 1,3 tỷ USD nhưng sau đó giảm dần và mất mốc xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc dù giảm giá trị nhập khẩu đến 26% nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần.

Tín hiệu vui là hầu hết các thị trường nhập khẩu thanh long ngoài Trung Quốc đều có giá trị tăng, như: Ấn Độ 21 triệu USD, tăng 35%; Mỹ 18 triệu USD, tăng 90%; Hàn Quốc 10 triệu USD, tăng 36%; UAE 7,8 triệu USD, tăng 60%… Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển hướng thị trường khá tốt.

Ngọc Ngân
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin