Petrovietnam sẽ tiếp tục là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội - khẳng định, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ người lao động dầu khí, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) sẽ vững bước trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới, tiếp tục là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế.
Petrovietnam sẽ tiếp tục là cánh chim đầu đàn của nền kinh tế |
Theo TS Nguyễn Minh Phong, tiếp nối thành công của năm 2023, trong 6 tháng đầu năm 2024, Petrovietnam đã bám sát diễn biến thị trường tài chính, các sản phẩm năng lượng, đặc biệt là biến động giá sản phẩm dầu thô, chế biến bao gồm lọc dầu, hóa dầu, phân bón để có các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh. Từ đó dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả tích cực.
Trong đó, gia tăng trữ lượng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4,38 triệu tấn quy dầu. Đáng chú ý, Petrovietnam có 2 phát hiện dầu khí mới. Đây thực sự là tin rất vui, rất đáng khích lệ bởi trong giai đoạn 2019-2023, chỉ có năm 2023 có liền 2 phát hiện dầu khí. Điều này là minh chứng Petrovietnam đã thực hiện tốt phương châm hành động là “Bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ” để phát triển.
Đề cập đến vấn đề năng lượng tái tạo (NLTT), TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ: “Vừa qua, Kết luận 76 của Bộ Chính trị có đề cập vấn đề phát triển NLTT nói chung và trong Petrovietnam nói riêng. Tôi cho rằng ngay từ Nghị quyết 41 cho đến Quy hoạch điện VIII đều khẳng định vai trò, tỷ trọng của các nguồn NLTT trong cơ cấu nguồn điện tương lai và Petrovietnam phải là đơn vị đi đầu trong vấn đề chuyển dịch nănglượng này”.
Bởi càng ngày, điều kiện và áp lực của chuỗi cung ứng toàn cầu càng đòi hỏi nhiều hơn về năng lượng sạch, năng lượng bền vững. Đây cũng là trọng trách, là cơ hội của Petrovietnam. Để làm tốt vấn đề này, tôi cho rằng Đảng và Nhà nước cần có chính sách, cơ chế mới cho doanh nghiệp, phân cấp phân quyền nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn, cởi mở hơn…
Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, Đảng và Nhà nước đều ghi nhận những thành công của Petrovietnam trong thời gian qua - đặc biệt là năm 2023. Thành tựu đó là rất lớn, nó mang tính liên tục và rất toàn diện, không phải là ngẫu nhiên và cũng không chỉ là đạt được trong một số lĩnh vực mà là kết quả của cả một quá trình với sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí trong việc thực hiện các chiến lược phát triển và quản trị của Petrovietnam.
Năm 2023 gần như là một năm “đỉnh cao” trong quá trình phát triển của Petrovietnam với các thành công về mặt: Tìm kiếm, khai thác, thăm dò, cũng như thành công về mặt sản xuất kinh doanh, tài chính..., mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, đóng góp ngân sách cho quốc gia. Đặc biệt là sự thành công về mặt thị trường, kể cả trong nước và quốc tế.
Những thành công đó đã góp phần duy trì động lực tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời góp phần khẳng định Việt Nam là điểm sáng trong kinh tế thế giới trong bối cảnh khó khăn hậu Covid-19 cũng như các biến động của tình hình địa chính trị thế giới. Thành công của Petrovietnam còn góp phần khẳng định uy tín, năng lực phản ứng chính sách, phản ứng thị thường cho đến công nghệ của các doanh nghiệp nhà nước mà Dầu khí là một trong những ngành tiêu biểu.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam |
Thành công đó còn củng cố niềm tin của thị trường, niềm tin của đối tác, của người dân vào hoạt động của Petrovietnam. Cho thấy rằng ngành Dầu khí không chỉ thành công về vấn đề kinh tế, thương mại, về chính sách trong khai thác và quản trị mà còn thành công trong việc giữ được niềm tin của xã hội về giá cả.
Có thể thấy gần đây những bức xúc, quan ngại về giá cả theo kiểu “phi thị trường”, theo kiểu lên xuống chậm trễ so với thị trường đã không còn nữa. Tất cả hoạt động về giá mặc nhiên có độ tin cậy cao của người dân và các chuyên gia. Rõ ràng nó cho thấy ngành Dầu khí có sự chuyển đổi thành công không chỉ về công nghệ mà ở cả phương diện thị trường. Nói cách khác, cơ chế thị trường thấm vào từng hoạt động trong triết lý điều hành của ngành.
“Trong thời gian tới tôi cho rằng, với văn hóa quản trị doanh nghiệp vững vàng, đội ngũ trẻ, sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, đà phát triển, tăng trưởng của ngành sẽ còn tiếp diễn, góp phần vào việc khẳng định Việt Nam vẫn là điểm sáng của kinh tế thế giới, là sự cộng hưởng và hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước.
Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng sẽ nhìn thấy một diện mạo mới của Petrovietnam trong thời gian tới - không đơn giản chỉ là một tập đoàn sâu về năng lượng trong phạm vi của đất nước mà sẽ trở thành một tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc tế, với sự đa dạng và với năng lực mới, sân chơi mới rộng hơn ngày càng lan tỏa ra khu vực và mang tầm tầm vóc quy mô của thế giới. Điều này cũng sẽ định vị và góp phần khẳng định Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển công nghệ cao đến năm 2050 theo mục tiêu của Đại hội XIII” - TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ: “Vừa qua, Kết luận 76 của Bộ Chính trị có đề cập vấn đề phát triển NLTT nói chung và trong Petrovietnam nói riêng. Tôi cho rằng ngay từ Nghị quyết 41 cho đến Quy hoạch điện VIII đều khẳng định vai trò, tỷ trọng của các nguồn NLTT trong cơ cấu nguồn điện tương lai và Petrovietnam phải là đơn vị đi đầu trong vấn đề chuyển dịch năng lượng này”. |
Minh Khang