|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm toán nhà nước: Đồng hành bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Không chỉ thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực công, Kiểm toán nhà nước còn luôn đồng hành, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Bảo vệ người lao động một cách tốt nhất

Theo TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II, Kiểm toán nhà nước: Trước hết, Kiểm toán nhà nước góp ý vào các chính sách liên quan đến người lao động như chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng tham gia ý kiến đối với Luật Lao động, Luật Công đoàn, các chính sách liên quan đến việc quản lý kinh phí công đoàn, việc quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Kiểm toán nhà nước đồng hành bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

Kiểm toán nhà nước đồng hành bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người lao động. Ảnh minh họa

Một hoạt động quan trọng nữa là khi kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kiểm toán viên nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề tuân thủ pháp luật và việc thực hiện chính sách đối với người lao động, như: Doanh nghiệp có nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động? có đóng đầy đủ bảo hiểm y tế, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động? đóng đầy đủ kinh phí công đoàn để tổ chức công đoàn hoạt động và quan tâm đến việc trả lương cho người lao động có đầy đủ, kịp thời, đúng hạn? nợ lương của người lao động hay không?

Với việc đặt vấn đề như vậy, qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Từ đó, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị, yêu cầu cơ quan, đơn vị phải đóng đầy đủ cho người lao động; phải trả lương kịp thời, đúng hạn cho người lao động để họ yên tâm làm việc.

Ngoài ra, khi kiểm toán Quỹ Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý, Kiểm toán nhà nước luôn đưa ra ý kiến để công đoàn là tổ chức đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, bảo vệ người lao động một cách tốt nhất. Chẳng hạn, Kiểm toán nhà nước nêu bất cập trong hệ thống văn bản quy định về quản lý Quỹ Công đoàn, quản lý tài sản công đoàn như rất nhiều doanh nghiệp chưa được kết nạp vào tổ chức công đoàn nhưng vẫn đóng 2% kinh phí công đoàn và khoản này đã được tính vào giá thành sản phẩm, tuy nhiên, người lao động trong đơn vị đó không được công đoàn bảo vệ, ốm đau không được thăm hỏi.

Khi phát hiện điều này, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo liên đoàn lao động các địa phương nhanh chóng thành lập tổ chức công đoàn, nếu chưa thành lập được thì công đoàn lao động cấp trên trực tiếp chăm lo cho người lao động, vì họ đã đóng kinh phí công đoàn.

Đối với việc xây dựng các thiết chế công đoàn, Kiểm toán nhà nước cũng đưa ra ý kiến có phù hợp với việc bảo vệ người lao động không? tại sao một số thiết chế không sử dụng được trong khi đó, người lao động có nhu cầu. Chẳng hạn, các thiết chế công đoàn xây nhà cho công nhân ở nhưng nhà lại quá xa so với nơi công nhân làm việc; hoặc ngay trong khu công nghiệp không có nơi chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, không có nhà trẻ, trường học cho con công nhân...

Công khai minh bạch chính sách

Việc công khai tài chính và công khai kết quả kiểm toán cũng được Kiểm toán nhà nước quan tâm. Khi kiểm toán tại các đơn vị, Kiểm toán nhà nước luôn yêu cầu đơn vị đó phải công khai để người lao động được tiếp cận thông tin.

Thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện công khai và người lao động không biết hoạt động tài chính của đơn vị như thế nào, quyền lợi của mình có bị ảnh hưởng không... Chính việc yêu cầu công khai, minh bạch này tạo ra sự minh bạch trong quản lý tài chính để người lao động được quyền tiếp cận với hệ thống quản lý cũng như tất cả những thông tin tài chính của đơn vị.

Từ khi thành lập và thực hiện kiểm toán, chưa có một cuộc kiểm toán nào, chưa có năm nào Kiểm toán nhà nước không đề cập đến những vấn đề này. Trong những năm tiếp theo, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ luôn luôn giữ được niềm tin và vị trí xứng đáng trong lòng người lao động, đó là kiểm toán xác nhận thông tin sử dụng, quản lý các quỹ công, trong đó có quỹ của người lao động như: Quỹ Công đoàn, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Đây là một trong những sứ mệnh mà Kiểm toán nhà nước phải tiếp tục thực hiện.

Tôi hy vọng, ở những chặng đường tiếp theo, người lao động cũng thấu hiểu được sự đồng hành của Kiểm toán nhà nước và chia sẻ với hoạt động của Kiểm toán nhà nước để Kiểm toán nhà nước đảm bảo thực hiện được sứ mệnh vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, trong đó có sự minh bạch, bền vững về việc tuân thủ chính sách đối với người lao động, đồng hành với người lao động cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động”. TS. Lê Đình Thăng chia sẻ.

Khi kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, Kiểm toán nhà nước luôn tập trung đến việc tuân thủ Luật Lao động, đặc biệt là việc làm thêm giờ để người lao động không bị lạm dụng, đảm bảo sức khỏe.
Tâm An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết