|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số: Yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới

Với hơn 10 triệu thành viên và 125.000 công đoàn cơ sở, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức lớn. Vì vậy, nếu không áp dụng công nghệ sẽ rất khó quản lý và phát triển.

Còn nhiều hạn chế

Tại Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đã chỉ rõ: Sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh; số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở tăng nhanh; đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng, chất lượng. Các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động (NLĐ), góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số: Yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới

Chuyển đổi số đem lại lợi ích to lớn cho đoàn viên công đoàn và doanh nghiệp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì tổ chức và hoạt động của công đoàn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

Cụ thể: Công tác phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, NLĐ; chất lượng đoàn viên chưa cao. Mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, NLĐ có mặt chậm đổi mới. Hoạt động công đoàn ở một số ngành, địa phương chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ và tình hình quan hệ lao động. Bên cạnh đó, vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ còn hạn chế.

Số liệu thống kê cho thấy, trong hơn 10 triệu thành viên nhưng hiện chỉ có 2.000 cán bộ công đoàn. Việc mỗi cán bộ phụ trách tới 5.000 thành viên sẽ gặp khó trong tư vấn, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Trong khi đó, NLĐ lại thường là yếu thế khi có tranh chấp hay tố tụng xảy ra.

Phát triển nền tảng số dùng chung

Tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Mạnh Hùng - cho rằng, Tổng Liên đoàn nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng số dùng chung cho tất cả các công đoàn cơ sở. Để trợ giúp pháp lý cho NLĐ, Tổng Liên đoàn có thể xây dựng một trợ lý ảo để trợ giúp công nhân qua smartphone.

Theo đó, toàn bộ tri thức hỗ trợ pháp lý của công đoàn sẽ được đưa vào trợ lý ảo. Dựa trên các tình huống mà thành viên hỏi, trợ lý ảo sẽ tiếp tục học hỏi và không ngừng thông minh hơn. Với sự trợ giúp của trợ lý ảo, mỗi tư vấn viên pháp lý của công đoàn có thể hỗ trợ nhiều thành viên công đoàn hơn và chỉ tập trung vào 10% công việc cuối cùng mà trợ lý ảo không làm được.

Trong bối cảnh mọi nghề nghiệp đều liên quan đến công nghệ số, kỹ năng số, nếu không được đào tạo, nhiều NLĐ sẽ bị mất việc mà không tìm được việc mới; nhiều lao động lương thấp nhưng lại không có thời gian và chi phí cho việc đi học nâng cao tay nghề... thì chuyển đổi số giúp công đoàn có thể xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến cho 10 triệu thành viên của mình. Học viên có thể thực hành tại phòng lab ảo bất kỳ lúc nào; học, tư vấn với giáo viên, thi bất cứ lúc nào…

Đến năm 2025, cả nước dự tính sẽ có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn.

Trong bối cảnh số lượng công nhân lao động tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước… việc đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của công đoàn, trong đó số hóa là rất cần thiết.

Thanh Tâm


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết