|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở cánh cửa cho nông sản Việt vào EU và Anh

Xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến hiện chiếm khoảng 10% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU và Vương quốc anh (UK), tương đương khoảng gần 3 tỷ USD/năm. Nhóm sản phẩm này còn có dư địa tăng trưởng tốt, có thể nâng giá trị xuất khẩu lên gấp đôi từ nay đến 2025 nếu các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được các lợi thế, tăng cường đầu tư chế biến sâu và quảng bá thương hiệu ở nước ngoài.

Cơ hội cho nông sản

Hiện nay, trong ASEAN, Singapore và Việt Nam là hai nước cùng đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh (UK).

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã đạt mức tăng trưởng khoảng 18% (giai đoạn 8/2020 đến 6/2021).

Mở cánh cửa cho nông sản Việt vào EU và Anh
Trái xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang EU

Đơn cử, giữa tháng 7 vừa qua, lô nhãn Sông Mã (Sơn La) đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh. Dù lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường này chỉ khoảng 2,5 tấn, song đây là dịp chào hàng tốt, là động lực rất lớn để gia tăng xuất khẩu sang khối thị trường này trong năm nay.

Ông Vũ Ngọc Cảnh, Tổng Giám đốc Công CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa, đơn vị xuất khẩu nhãn Sơn La sang EU và Vương quốc Anh cho biết, chúng tôi đánh giá cao chất lượng nhãn năm nay, quả nhãn to, cùi dày và đậm vị ngọt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và thị trường Vương quốc Anh. Sau lô nhãn xuất khẩu đầu tiên này, công ty cam kết tiếp tục thu mua hơn 40 tấn nhãn quả tươi của HTX Hoa Mười (Sông Mã) để tiếp tục xuất khẩu.

Trước đó, quả xoài Sơn La cũng được xuất khẩu thành công sang EU và Vương quốc Anh trong mùa vụ 2021. Việc xuất khẩu thành công sản phẩm nông sản sang các thị trường khó tính đã góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất, khẳng định được vị thế, giá trị của các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất tại cơ sở, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Cùng với trái cây, trước đây gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu thuế rất cao (trên 65 EUR/tấn), nhưng ngay từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo với mức thuế 0%. Riêng với mặt hàng tấm không bị áp hạn ngạch và cũng được xóa bỏ thuế hoàn toàn sau 5 năm. Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức đi vào thực thi, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được những đơn hàng xuất khẩu gạo thơm, có giá trị cao hơn vào EU, thậm chí có lô hàng lần đầu tiên được xuất khẩu với giá trên 1.000 USD/tấn. Việc này đã lan tỏa tín hiệu tích cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về lượng và giá.

Giải pháp nào chiếm lĩnh thị trường?

Theo các chuyên gia, dù tiềm năng là có, nhưng xuất khẩu nông sản sang khu vực thị trường này không đơn giản.

Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, là một nước không có nền nông nghiệp phát triển vượt trội nhưng thực phẩm chế biến vẫn là một trong Top 10 sản phẩm có tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của Singapore. Hàng năm, Singapore xuất khẩu ra thế giới trung bình khoảng 8 tỷ USD giá trị hàng thực phẩm chế biến.

Trong FTA giữa EU và UK với Singapore có nội dung cam kết mở cửa cho các thực phẩm chế biến tại Singapore với mức hạn ngạch miễn thuế vào các thị trường này lần lượt là 1.250 tấn và 350 tấn. Tuy nhiên, kể từ khi ký FTA với EU, Singapore hầu như vẫn chưa tận dụng được các mức hạn ngạch này. Các cơ quan và doanh nghiệp Singapore đang rất quan tâm tìm cách thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm chế biến để khai thác hạn ngạch, thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung cấp nông sản thô từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tận dụng nguyên tắc xuất xứ để phối hợp sản xuất OEM, cùng khai thác thương hiệu và mạng lưới đối tác nhập khẩu, phát triển các cơ chế hợp tác logistics và thương mại điện tử cho lĩnh vực thực phẩm chế biến để cùng thâm nhập thị trường EU và UK là những triển vọng lớn hơn mà các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore có thể tận dụng từ các FTA đã ký kết để tăng cường hợp tác.

Kinh nghiệm từ Sơn La cũng cho thấy, để có những chùm nhãn, những quả xoài có mẫu mã đẹp, chất lượng, thơm ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà con xã viên đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nhãn theo đúng quy trình VietGAP. Các cơ quan chức năng cũng thường xuyên liên hệ với cơ quan xúc tiến thương mại nhằm nắm bắt tốt nhu cầu thị trường. Nhờ đó, sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm nay, các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La... sản lượng nhãn ước đạt 98.500 tấn; trong đó, 2.200 ha nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, với sản lượng gần 22.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ, Châu Âu...

Xác định EU và UK là khu vực thị trường có tiềm năng lớn nhưng cũng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, về phía Bộ Công Thương, để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU và Vương quốc Anh trong thời gian tới, Bộ đang nỗ lực đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hàng hóa Việt Nam, kéo gần hơn khoảng cách cung cầu, đưa hàng Việt chiếm lĩnh tốt hơn khu vực thị trường này.

Bảo Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin