Xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng của Nghệ An tăng trên 50%
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An giữ mức tăng khá so với cùng kỳ như linh kiện điện thoại, hàng dệt may, dăm gỗ, hạt phụ gia, hoa quả chế biến và nước hoa, xơ sợi dệt, bột đá vôi trắng siêu mịn…
Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra kéo dài tại địa phương, nhưng 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An ước đạt ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 860 triệu USD, tăng 50,2%; tổng thu ngoại tệ từ dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động đạt 241 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng 2021 ước đạt 670 triệu USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm kỳ 2020. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, da giày (215 triệu USD), Linh kiện điện thoại (180 triệu USD), Xăng dầu (105 triệu USD), Máy móc, thiết bị (80 triệu USD), Thép các loại (23,6 triệu USD), nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khác (85 triệu USD)...
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An giữ mức tăng khá, trong đó rõ rệt nhất là đà tăng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến. Cụ thể: Linh kiện điện thoại có sự tăng trưởng đột biến với 160 triệu USD, Hàng dệt may tăng 26,3%; Dăm gỗ tăng 21%; Hạt phụ gia nhựa tăng 50,4%; Hoa quả chế biến và nước hoa tăng 14,5%; Xơ sợi dệt các loại đạt tăng 39%; Bột đá vôi trắng siêu mịn tăng 47,7%...
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên cả nước, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước |
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản cũng tăng trưởng mạnh, như hàng thủy sản tăng 95,8% so với cùng kỳ 2020, tinh bột sắn tăng 38%, hạt tiêu tăng 14,4% so với cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh đà tăng của một số mặt hàng, vẫn còn một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa quả tươi giảm 88%, gạo giảm 43%...
Nói về nguyên nhân của sự sụt giảm các mặt nông sản chủ lực như gạo, hoa quả tươi…ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu Sở Công Thương Nghệ An cho rằng: Mặt hàng gạo khi tham gia xuất khẩu thời gian qua đang gặp rất nhiều khó khăn, như cạnh tranh giá cả, các đơn hàng tuy đã chốt được hợp đồng với khách hàng nhưng lại không đặt được tàu, giao hàng chậm khiến đơn hàng bị hoãn, hủy…
Còn đối với mặt hàng hoa quả tươi, cũng bị ảnh hưởng nhiều khi các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi bị ảnh hưởng do sự kiểm soát dịch Covid 19 tại các cửa khẩu ở Lào, Thái Lan và các cửa khẩu biên giới phía Bắc làm một số mặt hàng có kim ngạch lớn đã dừng hoàn toàn hoạt động xuất, nhập khẩu.
Cũng theo Sở Công Thương Nghệ An, nhiều nguyên nhân khiến cho xuất khẩu bị hạn chế trong thời gian qua như, kiểm soát dịch dẫn đến chi phí tăng, việc thiếu hụt lượng container nên các hãng tàu liên tục hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn 4-5 lần, mỗi lần 10-15 ngày... gây nên sự chậm trễ thực hiện đơn hàng xuất khẩu và DN buộc phải hủy giao hàng, dù hàng đã được đưa ra cảng, chuẩn bị lên tàu.
Mặt khác, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp gặp một số khó khăn trong việc tổ chức sản xuất do phải thực hiện các yêu cầu về kiểm tra y tế đối với công nhân ra vào Thành phố…Nhiều nhà máy phải thay đổi kế hoạch sản xuất, nhiều công nhân liên quan đến các ca bệnh F0 bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, làm sản xuất bị ngưng trệ, giảm tiến độ và năng suất sản xuất.
Vì thế, để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu trong thời gian tới - ông Phạm Văn Hoá- Giám đốc Sở Công Thương cho hay, Sở sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp. Trong đó, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới. Tận dụng tối đa cơ hội của các Hiệp định thương mại tự để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Nghệ An có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.
Bên cạnh đó, tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa với các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…Hội nghị kết nối trực tuyến với các tham tán Việt Nam tại nước ngoài… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các mối liên hệ không gián đoạn với thị trường xuất khẩu mục tiêu; giúp doanh nghiệp tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường, nghiên cứu thị trường và nắm bắt thông tin về đối thủ cạnh tranh mà không tốn nhiều thời gian, chi phí.
Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ, kết nối,vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi để tạo thuận lợi và tăng hiệu quả xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương Nghệ An trong năm 2021, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: 910 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu đi khoảng 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, hàng hóa được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc (chiếm 31,7%), Hàn Quốc (chiếm 14,2%), Hồng Kông (chiếm 13,3%), Đài Loan (chiếm 10%), Hoa Kỳ (chiếm 8%), Ấn Độ (chiếm 3%)… |
Hoàng Trinh