|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.HCM: Xem xét chuyển đổi 16,8 ha đất rừng làm đường Vành đai 3

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ ảnh hưởng đến 16,8 ha đất rừng tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh nên UBND Thành phố đang đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng lại để phục vụ xây dựng dự án.

Đường vành đai 3 được thực hiện trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An với chiều dài hơn 76 km, gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên từ 2 - 3 làn xe (bố trí không liên tục). Dự án được phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện.

Dự án có hình thức đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỉ đồng. Trong đó, từ ngân sách TP.HCM hơn 24.000 tỉ đồng. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thành phần, thì địa phương chịu trách nhiệm bố trí phần vốn tăng thêm từ nguồn ngân sách địa phương.

TP.HCM: Xem xét chuyển đổi 16,8 ha đất rừng làm đường Vành đai 3 - Ảnh 1

Theo các chuyên gia, việc khép kín đường Vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.

Ngày 7/4/2022, trong kỳ họp thứ 5 HĐND Khoá X nhiệm kỳ 2021 – 2026, UBND Thành phố có tờ trình đề xuất nội dung chuyển đổi 16,8 ha đất rừng để xây Vành đai 3. Vị trí đất chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc 12 lô rừng trồng (tràm) sang rừng sản xuất ở huyện Bình Chánh, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phụ trách thực hiện.

UBND TP.HCM đánh giá, việc chuyển mục đích sử dụng 16,8 ha rừng sản xuất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 là cần thiết và đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017: “HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20ha, rừng sản xuất dưới 50ha, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư”;

Đồng thời là một nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án theo khoản 4 Điều 41 Nghị định số 156/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp: “Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư”.

Chuyển mục đích sử dụng đất rừng phải trồng rừng thay thế

Theo Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT, khi tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải thực hiện trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Luật Lâm nghiệp: "Chủ dự án được giao đất, cho thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế…".

Quyết Thanh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin