Tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức
Đoàn làm việc của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) do bà Nicole Glanemann, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu tại khu vực châu Á dẫn đầu đang có chuyến thăm tại Việt Nam vào ngày 20 và 21/2.
Mục tiêu chuyến thăm của lãnh đạo BMWK nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường quy trình thực thi chính sách và các quy định cụ thể cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.
Chuyến thăm và làm việc lần này tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức, vốn đã được xây dựng, phát triển thông qua chuyến thăm, làm việc của đoàn đại biểu Việt Nam tới Berlin tại Đối thoại Chuyển dịch năng lượng và Ngày Năng lượng Việt - Đức vào tháng 3/2022, cũng như chuyến thăm của BMWK tới Việt Nam vào tháng 11/2022 vừa qua.
Đại diện BMWK gặp gỡ và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương. (Ảnh: GIZ)
Vào ngày 20/2, đại diện BMWK gặp gỡ và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về chủ đề tích hợp lưới điện và vận hành lưới điện của các dự án điện gió ngoài khơi.
Theo chia sẻ từ kinh nghiệm quốc tế, việc tích hợp các dạng năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi vào trong hệ thống lưới điện sẽ gây ra những thách thức trong vận hành.
Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng các quốc gia trên thế giới đang có những tham vọng ngày càng lớn đối với năng lượng tái tạo và vì vậy có những xu hướng mới trong phát triển dạng năng lượng này như gia tăng số lượng thiết bị chuyển đổi và giao diện điện tử công suất. Những xu hướng này có thể mang đến hệ quả, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong vận hành hệ thống điện.
Để sử dụng vốn đầu tư hiệu quả và thuận tiện cho công tác vận hành, các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam nên áp dụng mô hình TSO do có mục tiêu tham vọng về phát triển điện gió ngoài khơi. Mô hình này sẽ giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, đồng thời tránh đầu tư manh mún. Theo đó, TSO sẽ chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải trục chính trên biển để đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi đảm bảo sự phát triển tới tầm nhìn bao quát.
Cũng trong ngày 20/2, đại diện BMWK có phiên làm việc với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương với chủ đề chính là xem xét nâng cấp hình thức hợp tác hiện nay "Đối thoại năng lượng" thành "Đối tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức". Với "Đối tác năng lượng", hợp tác song phương sẽ toàn diện hơn.
Hai bên đã thảo luận và chọn một số nội dung chính để tập trung hỗ trợ hợp tác trong khuôn khổ Đối tác năng lượng Việt - Đức. Các chủ đề được cân nhắc và thảo luận bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật và tài chính phát triển lưới điện, điện gió ngoài khơi, cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo, lưu trữ điện năng (bao gồm cả thủy điện tích năng), hydrogen xanh, quan hệ đối tác công - tư trong lĩnh vực năng lượng. Hai bên thống nhất sẽ lựa chọn ra 2 - 3 chủ đề chính trong hợp tác "Đối tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức".
Đức Dũng