Thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo khoa học về “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam - cơ hội và thách thức” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo là một phần hoạt động của dự án “Một số nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do GIZ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương thực hiện năm 2021, trong khuôn khổ dự án EVEF, do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) đồng tài trợ cho Chính phủ Việt Nam.
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn dự án đã trình bày báo cáo kết quả tóm tắt của dự án và xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, những kinh nghiệm thực tế của nước Đức; đại diện lãnh đạo các tập đoàn năng lượng Nhà nước: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trình bày tham luận về một số định hướng chuyển dịch cơ cấu năng lương của các Tập đoàn trong giai đoạn tới.
Hội thảo khoa học “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam - cơ hội và thách thức”. (Ảnh: GIZ Việt Nam)
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung góp ý cho dự thảo báo cáo dự án, đồng thời thảo luận thêm về các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với tầm nhìn dài hạn về giảm thiểu phát thải carbon để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Qua đó, tổng hợp, đề xuất một số khuyến nghị khung chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam hiệu quả, bền vững gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tiến Đạt