|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; gắn mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gặt hái nhiều thành quả từ nỗ lực chuyển đổi số
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban, đơn vị, UBND các huyện và thành phố, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường, tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội; hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư hiện đại, các phường, xã được kết nối internet và phủ sóng di động; hệ thống quản lý văn bản trên môi trường điện tử được khai thác sử dụng có hiệu quả. 
Đặc biệt, tại thành phố Thái Nguyên đã đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống truyền hình hội nghị; triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát 32/32 phường, xã. Đồng thời, UBND thành phố đã phối hợp với Viettel Thái Nguyên, các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố; lập dự án xây dựng Trung tâm điều hành thông minh thành phố Thái Nguyên (IOC) kết nối với IOC của UBND tỉnh và các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh với nguồn kinh phí đầu tư gần 45 tỷ đồng.
Công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết, hạ tầng chuyển đổi số của Thái Nguyên được hoàn thiện và bảo đảm thông suốt 100% trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia trên các lĩnh vực đang được các sở, ngành, địa phương tập trung tích hợp, đồng bộ, tạo nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung trong toàn tỉnh và kết nối, liên thông với Trung ương. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Thái Nguyên trong phát huy vai trò làm điểm trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ. 
Về mô hình Chợ 4.0, tỉnh đã triển khai ở 11 chợ truyền thống trên địa bàn với trên 2.100 tiểu thương sử dụng và được người dân hưởng ứng tích cực. Đến hết năm 2022, các địa phương phấn đấu sẽ xây dựng tối thiểu 60 Chợ 4.0, ông Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh.
Bằng những bước chuyển mình mạnh mẽ, Thái Nguyên đã gặt hái được những thành tựu ấn tượng trong chuyển đổi số. Trong kết quả đánh giá chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Trụ cột Chính quyền số đứng thứ 3/63 tỉnh, thành cả nước, trong đó chỉ số thông tin và dữ liệu đứng thứ 2; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 07 địa phương xếp loại A, nhóm dẫn đầu cả nước.
Đưa chuyển đổi số đến gần người dân hơn
Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, từ tháng 4.2022, Thái Nguyên triển khai thành lập mô hình các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tất cả 178 xã, phường, thị trấn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; 2.256 Tổ được thành lập với tổng số thành viên là 17.000 người, vượt chỉ tiêu khoảng 57,3% theo kế hoạch. 
Các thành viên được lựa chọn tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cần có kỹ năng sử dụng nền tảng, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, tiếp cận mọi tầng lớp nhân dân, các Tổ công nghệ số cộng đồng đều có nòng cốt là lãnh đạo, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ xóm/tổ dân phố.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số
Bà Nguyễn Thị Ứng (Tổ dân phố 15, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) cho biết, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng mà bà đã tiếp cận được các tính năng của điện thoại thông minh, theo dõi được đầy đủ tin tức trên địa bàn. Đặc biệt, cài đặt các ứng dụng được tỉnh Thái Nguyên triển khai xây dựng thời gian qua như: C-Thai Nguyên, Thái Nguyên ID… đem lại cho người dân nhiều hiệu quả thiết thực.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa cho biết, từ giờ cho đến cuối năm, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên. Mục tiêu đến năm 2025, có 70% số dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ thiết yếu khác trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thái Nguyên sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra, trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030 và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Nguồn: daibieunhandan.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin