|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thách thức từ "bão giá"

Nguyên, vật liệu tăng giá mạnh khiến cho kỳ vọng phục hồi sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đứng trước thách thức lớn. Thực tế này đòi hỏi cần phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Khó chồng khó

Số liệu thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2021, hầu hết giá cả nguyên vật liệu sản xuất đều tăng. So với đầu năm, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá xăng dầu tăng 28%, giá nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô tăng 6%, giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 11% và giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 11%. Các chuyên gia kinh tế dự báo, cuối năm áp lực tăng giá là rất lớn do chi phí nguyên liệu đầu vào tất cả lĩnh vực, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến chi phí vận chuyển, logistics, xăng dầu… đều tăng mạnh.

Làn sóng tăng giá của nguyên liệu đầu vào tăng mạnh đang khiến cho DN đau đầu bởi họ tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn mới. Bà Nguyễn Thúy Hằng - Giám đốc DN xuất khẩu cà phê Cánh Diều - cho biết, nhiều đơn hàng xuất khẩu của DN này đã báo giá tới nhiều đối tác tại các thị trường quốc tế, nhưng trước tình trạng tăng giá quá cao của nguyên liệu đầu vào từ 30-50% nên DN phải báo lại giá và chỉnh sửa hợp đồng với đối tác. "Thay đổi này khiến đơn hàng đứng trước nguy cơ bị đối tác hủy rất lớn, thậm chí, dự báo một hai năm tới DN cũng khó có thể ký được các đơn hàng mới với mức giá thay đổi liên tục. Mặt khác, do giá nguyên liệu tăng, đầu ra của hàng hóa khó khăn nên DN phải cầm chừng sản xuất, nhiều kế hoạch kinh doanh gần như trì hoãn" - bà Hằng chia sẻ.

Thách thức từ
Doanh nghiệp đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu sản xuất tăng

Ngay khi Chính phủ chuyển đổi chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh cộng đồng DN đặt kỳ vọng sớm phục hồi sản xuất, vì vậy họ nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp triển khai kịp thời để không gián đoạn sản xuất, cung ứng vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, việc đối mặt với rủi ro vì giá nguyên liệu đầu vào tăng và chưa có điểm dừng như hiện nay là điều rất đáng lo ngại. Ông Tô Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, để giữ lạm phát, ngoài giữ vững tỷ giá thì việc giữ ổn định giá hàng hóa rất quan trọng và yếu tố quyết định lại phụ thuộc đầu vào từ nguyên liệu. "Chúng tôi hết sức e ngại về giá nguyên liệu tăng mạnh như hiện nay. Bởi, DN vốn đang phải cầm cự trước đại dịch nay lại phải chịu thêm các gánh nặng "bão giá" nguyên liệu. Thực tế này tiếp tục gây tổn thương cho cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa, nguồn lực vốn đã hết sức mong manh, cạn kiệt từ dịch bệnh" - ông Nam nói.

Cần hỗ trợ kịp thời

Trong bối cảnh khó khăn mới từ tăng giá nguyên liệu, mong muốn từ cộng đồng DN là họ cần được tháo gỡ bằng những hỗ trợ sát sườn hơn. Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, DN cần cơ quan quản lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vận chuyển, lưu thông nhằm giảm áp lực chi phí. Đồng quan điểm, ông Tô Hoài Nam đề xuất thêm, Chính phủ cần tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ về các loại thuế, giãn, hoãn lãi xuất ngân hàng không phân biệt các gói vay. "Đây chính là các giải pháp thị trường quan trọng, thiết thực và căn cơ nhất đối với DN bởi có thể giúp họ vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất" - ông Nam nhấn mạnh.

Mới đây, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến về việc rà soát giảm phí, lệ phí cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chủ trương này đang được các chuyên gia kinh tế, cộng đồng DN đánh giá cao, kỳ vọng sẽ sớm triển khai bởi đây là giải pháp rất cần kíp với DN.

Chính phủ đang yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí (bao gồm cả các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gửi Bộ Tài chính để xem xét, ban hành theo thẩm quyền và quy định của pháp luật để hỗ trợ kịp thời cho DN, người dân gặp khó khăn.

Bảo Thoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin