Tăng tốc chuyển đổi số trong truyền thông giáo dục nghề ngành Công Thương
Sự kiện tập huấn do Báo Công Thương phối hợp Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) và Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 30/6 tại TP.Hồ Chí Minh là diễn đàn quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông giáo dục nghề trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công Thương.
Truyền thông không còn là việc nên làm, mà là việc phải làm tốt
Hội nghị có sự tham gia của đại diện Cục Báo chí, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công Thương, đại diện Báo Công Thương, đại diện Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và đặc biệt có sự hiện diện của các vị khách mời là đại diện các cơ sở đào tạo nghề trực thuộc Bộ Công Thương khu vực miền Trung và miền Nam.
Ông Nguyễn Quang Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Công Thương. Ảnh: Sỹ Đồng
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc tổ chức truyền thông trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là với các cơ sở đào tạo nghề thuộc ngành Công Thương thực sự rất cần thiết. Đây chính là tiền đề để nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của đào tạo nghề, từ đó góp phần định vị lại giá trị của các trường cao đẳng và trung cấp trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng.
Đánh giá về thực trạng truyền thông hiện nay tại các trường đào tạo nghề của ngành, ông Hồng chỉ ra, hiện nay, công tác truyền thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của ngành Công Thương vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều trường chưa có chiến lược truyền thông bài bản, thiếu nguồn lực và chuyên môn về truyền thông hiện đại.
Thời gian qua, các trường phần lớn vẫn đang chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông riêng, tuy nhiên vẫn còn thiếu sự liên kết và định hướng tổng thể. Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi đang hướng tới việc xây dựng một chiến lược truyền thông chung cho toàn hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ, trong đó xác định rõ mục tiêu, nội dung và kế hoạch triển khai cụ thể. Điều này sẽ giúp thống nhất thông điệp, gia tăng hiệu quả truyền thông và nâng cao hình ảnh giáo dục nghề nghiệp ngành Công Thương trong xã hội.
Bên cạnh sự hỗ từ Bộ Công Thương, ông Hồng cũng nhắc đến vai trò chủ động của các trường trong công tác truyền thông: “Các trường cần xác định rõ thế mạnh của từng trường như các ngành nghề đặc thù, năng lực đào tạo để từ đó xây dựng thông điệp truyền thông phù hợp, góp phần thu hút người học và khẳng định vai trò cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành”.
Toàn cảnh hội nghị tập huấn “Nâng cao hiệu quả truyền thông tại các cơ sở đào tạo nghề ngành Công Thương trong xu thế mới”. Ảnh: Ngọc Hoa
Chia sẻ về công tác truyền thông tại trường hiện nay, TS. Lê Ngọc Trung - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP. Hồ Chí Minh cho hay, trong bối cảnh môi trường truyền thông số phát triển mạnh mẽ, nhà trường đã chủ động triển khai nhiều hình thức tiếp cận nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhóm đối tượng đa dạng như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, phụ huynh và sinh viên. Các kênh truyền thống như website, fanpage Facebook, Zalo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, việc khai thác các nền tảng mới như TikTok, Instagram, YouTube đã giúp nhà trường kết nối hiệu quả hơn với thế hệ học sinh - sinh viên Gen Z.
Hiện Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại đang áp dụng chiến lược “nội dung đa tầng” - một nội dung gốc được triển khai dưới nhiều định dạng khác nhau như bài viết dài trên website, bài đăng ngắn kèm hình ảnh trên Facebook, video ngắn trên TikTok, infographic trực quan… Đồng thời, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truyền thông với chatbot hỗ trợ tư vấn tuyển sinh, công cụ AI như Canva, CapCut, ChatGPT để tối ưu nội dung, kết hợp kỹ thuật SEO, phân tích dữ liệu hành vi người dùng qua Google Analytics và Facebook Insights.
Đáng chú ý, mạng lưới cộng tác viên sinh viên đóng vai trò không nhỏ trong việc lan tỏa nội dung, bắt nhịp xu hướng giới trẻ và tạo nên phong cách truyền thông gần gũi, sinh động hơn.
TS. Lê Ngọc Trung – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sỹ Đồng
Tuy nhiên, TS. Lê Ngọc Trung thẳng thắn chỉ ra một số thách thức hiện nay, trong đó nổi bật là hạn chế về nhân lực truyền thông, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa chuyên sâu về kỹ năng. Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống đo lường hiệu quả truyền thông dựa trên hành vi người dùng khiến tỷ lệ chuyển đổi từ việc “xem thông tin” sang “hành động” (như đăng ký, tương tác…) còn thấp.
Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều fanpage “ngoài luồng”, không thuộc quản lý chính thức của trường, dễ phát sinh thông tin sai lệch. Do đó, việc củng cố hệ thống truyền thông chính thống, nâng cao năng lực định hướng dư luận và kiểm soát thông tin là nhiệm vụ cấp thiết.
Yêu cầu cấp thiết của chuyển đổi số trong truyền thông giáo dục nghề
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của truyền thông trong công tác tuyển sinh và nâng cao thương hiệu các trường cao đẳng nghề hiện nay, chia sẻ tham luận tại hội nghị, ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho hay: Truyền thông trong lĩnh vực giáo dục nghề đã và đang chuyển từ vai trò hỗ trợ sang vai trò trung tâm của chiến lược phát triển. Trong thời đại số, nơi một video ngắn có thể lan truyền hàng triệu lượt xem và một dòng trạng thái có thể định hình hành vi người học, thì truyền thông không chỉ là công cụ quảng bá tuyển sinh mà còn là yếu tố định vị thương hiệu giáo dục.
Đặc biệt với các trường nghề ngành Công Thương, nơi đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho đất nước, việc làm tốt công tác truyền thông chính là góp phần xây dựng hình ảnh ngành công nghiệp, thương mại hiện đại, chuyên nghiệp, đáng tin cậy trong lòng người dân.
Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Ảnh: Ngọc Hoa
Tuy nhiên, ông Lợi cũng đề cập đến những thách thức hiện nay trong công tác truyền thông như tại nhiều trường nghề vẫn tồn tại những “điểm mù” đáng lo ngại. Nhân lực làm truyền thông còn mỏng, thiếu đào tạo bài bản; nội dung truyền thông chưa hấp dẫn, thiếu tính kết nối; ứng dụng nền tảng số còn hạn chế; sự phối hợp với báo chí, doanh nghiệp chưa hiệu quả. Trong khi đó, yêu cầu xã hội dành cho các trường ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải trở thành “người làm truyền thông nội bộ”, mỗi đơn vị đào tạo phải trở thành “thương hiệu nghề nghiệp” có bản sắc và uy tín.
Ông Lợi cũng lưu ý rằng nếu không chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng, các trường sẽ rất dễ bị động trước những thông tin bất lợi. Trong bối cảnh lan truyền số là tức thì, minh bạch và uy tín truyền thông không còn là “vỏ bọc” mà là “nền móng” của phát triển, thì mỗi cơ sở đào tạo cần thay đổi tư duy từ phòng thủ sang chủ động, từ bị động xử lý sang chủ động dẫn dắt.
Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm: “Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông tại các cơ sở đào tạo nghề ngành Công Thương trong xu thế mới” trong khuôn khổ hội nghị
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành cơ hội cũng như thách thức hiện trong công tác truyền thông, theo Đặng Khắc Lợi, chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà là nền tảng cốt lõi để tái thiết toàn diện hoạt động truyền thông tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhờ số hóa, các trường nghề đã bắt đầu triển khai hàng loạt công cụ hiện đại như website đa nền tảng, fanpage chuyên nghiệp, các kênh YouTube, TikTok sinh động, ứng dụng chatbot và AI trong tư vấn tuyển sinh. Nhiều đơn vị còn tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn trực tuyến qua livestream, điều mà truyền thông truyền thống khó có thể làm được với chi phí tối ưu và hiệu quả tương tác cao như vậy.
Chuyển đổi số cũng cho phép cá nhân hóa hoạt động truyền thông. Với các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), các trường có thể thiết kế chiến dịch riêng biệt cho từng đối tượng mục tiêu, từng khu vực, từng ngành nghề. Từ đó, giúp nhà trường không chỉ tiếp cận đúng người, đúng thời điểm, mà còn tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả.
Nhà báo Bùi Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo kiêm Trưởng ban Giáo dục Báo Tuổi trẻ chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Sỹ Đồng
Đáng chú ý, truyền thông số đang mở ra cánh cửa kết nối ba chiều giữa nhà trường - doanh nghiệp - xã hội. Những hoạt động như tuyển dụng, hội chợ việc làm, thực tập sinh được truyền thông rộng khắp trên mạng xã hội, website, email marketing… giúp doanh nghiệp tiếp cận sinh viên dễ dàng hơn, trong khi học viên cũng nhận được cơ hội việc làm sớm hơn và sát với chuyên môn hơn.
“Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những thách thức không nhỏ: từ hạn chế về hạ tầng công nghệ, thiếu kỹ năng số của đội ngũ truyền thông, cho tới các nguy cơ về an ninh mạng, tin giả, thông tin độc hại. Do đó, cần có một chiến lược đồng bộ không chỉ đổi mới công nghệ mà còn xây dựng thể chế, nâng cao kỹ năng và hợp tác đa ngành”, ông Lợi thông tin.
Với vai trò cơ quan quản lý báo chí, ông Lợi cho biết, Cục Báo chí đang tích cực đồng hành với các cơ sở đào tạo thông qua việc định hướng nội dung, tổ chức tập huấn truyền thông, và hỗ trợ xử lý khủng hoảng. Việc phát huy vai trò định hướng của Nhà nước kết hợp với sự chủ động sáng tạo của từng đơn vị sẽ là chìa khóa để truyền thông giáo dục nghề ngành Công Thương thực sự cất cánh.
“Tôi tin rằng nếu mỗi trường nghề biết tận dụng thời cơ, biết kể câu chuyện của mình một cách chân thật và hấp dẫn, thì truyền thông không chỉ là kênh thông tin mà sẽ trở thành sức mạnh mềm của giáo dục nghề nghiệp”, ông Đặng Khắc Lợi nói.
Tại hội thảo, với nhiều đóng góp thiết thực của các diễn giả đã góp phần quan trọng đánh giá thực trạng truyền thông tại các cơ sở đào tạo nghề ngành Công Thương hiện nay với nhiều những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, và đề xuất giải pháp sáng tạo. Trong xu thế hội nhập quốc tế, truyền thông không chỉ nâng cao chất lượng tuyển sinh mà còn khẳng định uy tín các trường, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao. Hội thảo cũng góp phần hiện thực hóa Đề án đào tạo nhân lực 4.0 của Bộ Công Thương, thúc đẩy hợp tác giữa các trường, doanh nghiệp, và địa phương, hướng tới phát triển bền vững đào tạo nghề của ngành Công Thương.