|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sửa đổi Luật Dầu khí: Không thể chậm trễ

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ thì việc sửa đổi Luật Dầu khí là cấp thiết, nhằm tăng hiệu lực quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ thì việc sửa đổi Luật Dầu khí là cấp thiết, nhằm tăng hiệu lực quản lý nhà nước; đồng thời loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Thống kê cho thấy, đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được khoảng 420 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 170 tỷ m3 khí, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2006 - 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, PVN vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước.

Sửa đổi Luật Dầu khí: Không thể chậm trễ
Những ưu đãi với ngành dầu khí là cần thiết

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) - việc khai thác nguồn tài nguyên này ngày càng khó khăn do các mỏ nằm ở vùng nước sâu, xa bờ và địa chất phức tạp. Ngành dầu khí mặc dù còn nhiều dư địa phát triển song để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong tình hình mới thì việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, trước mắt là sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) là đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển.

Ở góc độ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Thập - Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - cho biết: Chúng ta cần kiện toàn Luật Dầu khí bởi một số luật ra đời sau như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đều có sự chồng chéo. Nếu không xử lý kịp thời, hoạt động của ngành dầu khí sẽ phải đối mặt với sự giảm hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư.

Ưu đãi trong đầu tư

Ông Nguyễn Việt Sơn cho biết: Nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022.

Cụ thể các chính sách gồm: Bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định điều tra cơ bản về dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí…; quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; quy định về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí; quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí...

Ông Nguyễn Quốc Thập cho rằng, trong 6 nhóm chính sách, chúng ta đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ưu đãi, thu hút, loại bỏ nhiều rào cản cho nhà đầu tư.

Đồng tình, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội- cũng cho rằng, bên cạnh những ưu đãi trực tiếp, việc cải thiện môi trường kinh doanh chính là ưu đãi thiết thực, công bằng nhất và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) làm rất tốt điều này.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong - phân tích: Những ưu đãi với ngành này là cần thiết, nhằm tạo ra sự định hướng, hấp dẫn cho các dự án, nhà đầu tư, cũng như tăng cơ sở để tăng quyết tâm đầu tư. Những ưu đãi hiện nay đã phù hợp với một số rủi ro, tuy nhiên vẫn cần thêm ưu đãi về thuế, môi trường đầu tư, tạo sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Việc bảo hiểm tín dụng, bảo lãnh đầu tư cho doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh..

Thanh Tâm

Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết