|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam

Quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam gồm các thời kỳ khác nhau.

a. Trước năm 1945

Trước năm 1945 đã có một số cơ quan có liên quan đến tìm kiếm thăm dò dầu khí như Sở Địa lý Đông Dương (1899), Sở Địa chất Đông Dương (1921), Viện Hải dương học Đông Dương (1922). Sở Địa chất Đông dương đã xúc tiến điều tra vẽ bản đồ địa chất với các tỷ lệ khác nhau, trong đó có bản đồ địa chất Đông Dương tỷ lệ 1/2.000.000 (Fromaget, 1937). Về dầu khí, đã có các nghiên cứu bể trầm tích Đồng Họ (Quảng Ninh) chứa than và chứa đá phiến dầu, trầm tích Paleozoi Núi Lịch (Yên Bái), điểm lộ dầu vùng Đầm Thị Nại (Quy Nhơn)... Năm 1936 Fromaget đã công bố tài liệu “Những đặc điểm địa chất và khả năng dầu mỏ ở Đông Dương”.

b. Thời kỳ 1945-1975

Từ 1959 ở miền Bắc đã thành lập Đội khảo sát dầu khí do Liên Xô giúp đỡ. Năm 1961 đã hoàn thành báo cáo “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, trong đó đánh giá Miền võng Hà Nội là vùng triển vọng 1 và Trũng An Châu là vùng triển vọng 2. Để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Đoàn Thăm dò dầu khí 36 được thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên phạm vi miền Bắc Việt Nam. Tháng 4/1961, báo cáo về triển vọng dầu khí miền Bắc Việt Nam được hoàn thành, đây là công trình tổng hợp về đánh giá triển vọng dầu khí, định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí về sau.

Có một số dấu mốc quan trọng như đã khoan giếng khoan đầu tiên sâu 802m nghiên cứu cấu tạo ở Khoái Châu (1962-1963), khoan giếng khoan thông số tại Tiên Hưng (1970-1972) với kết quả thử vỉa có dấu hiệu khí. Năm 1975 đã phát hiện mỏ khí Tiền Hải C với trữ lượng xác minh 1,3 tỉ m3.

Cũng trong giai đoạn này, ở miền Nam cũng ban hành Đạo Luật Dầu hỏa (1970), thành lập Ủy ban Quốc gia dầu hỏa (1971) và Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (1974).

- 1967-1968: Khảo sát từ hàng không vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thềm lục địa, kết luận có trầm tích dày 3-4 km.

- 1969-1970: Công ty Mandrel tiến hành khảo sát địa chấn dọc bờ biển miền Nam và Nam Biển Đông (khoảng 12.000 km), xác định được các đới nâng Khorat, nâng Côn Sơn và các bể trầm tích Cửu Long, Nam Côn Sơn và Malay - Thổ Chu.

- 1973: Đã phân lô dầu khí từ vùng biển Phan Thiết đến Vịnh Thái Lan và ký 4 hợp đồng dầu khí (6 lô) với các Công ty Esso, Mobil, Shell và Sunningdale.

- 1974: Đã ký 5 hợp đồng dầu khí (9 lô) với các công ty nước ngoài.

- 1974-1975: Công ty Pecten đã khoan 4 giếng (Hồng-1X, Dừa-1X, Dừa-2X, Mía-1X) và Công ty Mobil khoan 2 giếng (Bạch Hổ-1X và Đại Hùng-1X), phát hiện dầu khí ở Dừa và Bạch Hổ (giàn khoan Đại Hùng khoan đến 1.819 m thì dừng do sự kiện thống nhất đất nước). Kết quả của các giếng khoan đã khẳng định sự tồn tại dầu khí của các bể trầm tích khu vực thềm lục địa phía Nam.

c. Thời kỳ 1975-1990

Sau ngày thống nhất đất nước, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập (ngày 20/8/1975), xúc tiến tìm kiếm và khai thác dầu khí trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời mở cửa, tạo điều kiện để các công ty nước ngoài tham gia.

Ở Đồng bằng sông Hồng, với sự giúp đỡ của Liên Xô đã tiếp tục thăm dò và khai thác dầu khí. Cuối năm 1978 tàu địa chấn “Bình Minh” đã thực hiện phương án khảo sát địa chấn phản xạ vùng Tây Bắc vịnh Bắc Bộ. Mỏ khí Tiền Hải C được phát triển và khai thác (1981-1987). Ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau khảo sát địa chấn (do Công ty CGG thực hiện) đã khoan 2 giếng khoan, kết quả cho thấy triển vọng dầu khí hạn chế và đã dừng hoạt động tìm kiếm thăm dò vào năm 1981.

Năm 1980, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định Hợp tác về thăm dò và Khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Từ đó các tàu Poisk, Iskatel, Gambursev, Malugin (Liên Xô) đã thực hiện khảo sát từ, trọng lực, địa chấn với mạng lưới khu vực toàn thềm lục địa từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ nhằm nghiên cứu cấu trúc và đánh giá tiềm năng các bể trầm tích Đệ Tam. Ở vùng ngoài thềm lục địa phía Nam, Tổng cục Dầu khí đã ký 3 Hợp đồng PSC với Deminex, Bow Valley, Agip (1978-1980), tuy nhiên kết quả tìm kiếm thăm dò không được như mong đợi.

Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) được thành lập ngày 19/6/1981 để tiến hành thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long (các Lô 09 và 16) và mỏ Đại Hùng (Lô 05 bể Nam Côn Sơn). Ngày 24/5/1984, tàu khoan Mikhain Mirchin khoan giếng BH-5 khẳng định dòng dầu có giá trị thương mại tại mỏ Bạch Hổ và ngày 6/11/1984, Vietsovpetro hạ thủy chân đế giàn khoan cố định MSP-1 tại mỏ Bạch Hổ. Vietsovpetro đã thu nổ địa chấn bổ sung và khoan 3 giếng khoan thăm dò ở mỏ Đại Hùng trong đó có 2 giếng đã phát hiện dầu khí vào năm 1988. Từ năm 1986, Tổng cục Dầu khí đã ký một số Hợp đồng PSC mới với ONGC (Ấn Độ), Total, BP, Shell... và bắt đầu một thời kỳ mới với rất nhiều hoạt động khảo sát địa chấn và khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Ngày 26/6/1986, từ giàn MSP-1 đã khai thác tấn dầu thô thương mại đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ. Năm 1988 phát hiện dầu từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ, một trong các mỏ có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới trong đá móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc... đã lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác. Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu rất có giá trị về khoa học và kinh tế. Các thành quả này đã đánh dấu một bước tiến vững chắc cho ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

d. Thời kỳ 1990-2020

Năm 1990, Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt được thành lập và từ 1995 đổi tên thành Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Năm 1993, Quốc hội ban hành Luật Dầu khí và năm 1994 Mỹ bãi bỏ cấm vận Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới để các công ty Mỹ đầu tư vào lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam. Trong giai đoạn 1990-2005 đã ký mới nhiều hợp đồng dầu khí PSC, JOC. Năm 2006, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập và trong giai đoạn 2006-2020 đã ký mới khoảng 40 hợp đồng dầu khí PSC, JOC. Vietsovpetro đã phát hiện mỏ Rồng, Đông Rồng, Nam Rồng, Đông Nam Rồng, phát hiện mỏ Thỏ Trắng, Cá Tầm... Các hoạt động của các hợp đồng PSC, JOC đã có các phát hiện ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng, Phú Khánh, Malay - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây như Sao Vàng Đại Nguyệt, Báo Vàng, Kèn Bầu...

Công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã được tiến hành ở hầu hết các bể trầm tích trên đất liễn, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Khối lượng điều tra, tìm kiếm, thăm dò đã thực hiện trên 300.000 km tuyến địa chấn 2D, gần 25.000 km2 địa chấn 3D và gần 800 giếng khoan thăm dò và khai thác (tương đương 3 triệu mét khoan).

Tóm lại, các hoạt động tìm kiếm thăm dò ở Việt Nam đã được chú ý từ rất sớm. Đến năm 1980 phát hiện mỏ khí nhỏ Tiền Hải C ở phía Bắc và 2 phát hiện cho dòng công nghiệp là Dừa và Bạch Hổ. Sau năm 1986, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí có điều kiện triển khai mạnh mẽ với sự đầu tư quốc tế cộng với sự phát triển công nghệ dẫn đến hàng loạt mỏ dầu khí được phát hiện, tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như phát triển các quan điểm mới về tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam
Hình 2.3 - Hình ảnh giàn khoan dầu khí trên mỏ Bạch Hổ

Sau hơn nửa thế kỷ triển khai công tác tìm kiếm thăm dò, đến nay Việt Nam đã xác định được 8 bể trầm tích dầu khí có tuổi Cenozoic trên vùng biển Việt Nam gồm bể Sông Hồng, bể Hoàng Sa, bể Phú Khánh, bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn, bể Tử Chính - Vũng Mây, bể Trường Sa, bể MaLay - Thổ Chu. Một số mỏ ở bể Cửu Long như Bạch Hổ và mỏ Đại Hùng ở bồn trũng Nam Côn Sơn là những mỏ có chứa dầu cả ở đá móng.

Từ điểm mốc khai thác mỏ khí Tiền Hải - Thái Bình năm 1981 và khai thác dầu thô mỏ Bạch Hổ năm 1986, đến nay Việt Nam đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài. Trên bảng 2.2 là tóm tắt một số kết quả thăm dò dầu khí ở Việt Nam.

Quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam
Quá trình tìm kiếm thăm dò dầu khí ở Việt Nam
Bảng 2.2 - Khối lượng khảo sát địa chấn 2D và 3D các bể trầm tích

Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

 

 


Tác giả: a. Trước năm 1945
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin