|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phục hồi sớm, xuất khẩu gỗ tự tin đạt 14,5 tỷ USD

Phục hồi sản xuất sớm hơn dự đoán, các DN chế biến, xuất khẩu (XK) gỗ đang nỗ lực chủ động áp dụng nhiều giải pháp vượt khó về thiếu lao động cũng như chi phí đầu vào tăng cao để tăng tốc sản xuất. Với đà tăng trưởng hiện tại, XK gỗ và sản phẩm gỗ cả năm tự tin về đích khoảng 14,5 tỷ USD.

Ưu đãi đặc biệt cho lao động

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 9 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,76 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn vào con số tăng trưởng nêu trên, TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends cho rằng, mặc dù kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng trưởng này chủ yếu là do kim ngạch từ nửa đầu năm 2021 mang lại.

Từ tháng 10/2021, XK ngành gỗ đã có sự tăng trưởng trở lại rõ rệt
Từ tháng 10/2021, XK ngành gỗ đã có sự tăng trưởng trở lại rõ rệt

XK toàn ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong khoảng tháng 7-9/2021. Tín hiệu đáng mừng là, tháng 10/2021 dù chưa có số liệu chính thức, nhưng ước tính kim ngạch XK tương đương với tháng 10/2020. “Tháng 10/2021 là thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn khá nhạy cảm nhưng mức XK tương đương tháng 10/2020 là "điểm sáng" của ngành gỗ cần được ghi nhận, cho thấy nỗ lực của DN cũng như toàn ngành để phục hồi sản xuất là rất lớn”, ông Tô Xuân Phúc nói.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh: “Đến thời điểm này dịch Covid-19 đã cơ bản dần được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố. Các tín hiệu cho thấy tốc độ phục hồi của các DN ngành gỗ nhanh hơn dự đoán trong 2-3 tháng trước đây”.

Liên quan tới vấn đề này, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương chia sẻ thêm, hầu hết các DN ngành gỗ trong tỉnh đã quay lại sản xuất với giải pháp "3 xanh" (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh). Tuy nhiên các DN đang gặp khó trong việc giữ chân người lao động, số lượng lao động biến động lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép Nhật Nam chia sẻ, Công ty đang thiếu lao động trầm trọng. Đến nay, DN đã có gần 4 tháng làm “3 tại chỗ”, duy trì khoảng 60% lực lượng lao động. DN đã và đang giữ chân lao động bằng cách áp dụng chế độ ưu đãi đối với lực lượng lao động nòng cốt trung thành gắn bó làm với Công ty trong suốt quá trình áp dụng "3 tại chỗ" vừa qua. Với những người không theo làm "3 tại chỗ", DN vẫn hỗ trợ lương thực, tiền hàng tháng để họ duy trì cuộc sống. “Đầu tháng 11/2021, DN chuyển sang sản xuất "3 xanh", công nhân vào làm việc sẽ được hỗ trợ ngay 1 triệu đồng; đồng thời DN tăng cường tuyển dụng công nhân mới”, ông Nhật nói.

Sắp xếp sản xuất hợp lý

Ngoài vượt khó trong vấn đề lao động, theo ông Nhật, nguồn cung gỗ đầu vào khá khan hiếm, chi phí nguyên vật liệu rất cao trong khi nhu cầu tại thị trường Mỹ, Nhật đang tăng cũng là khó khăn nổi cộm DN phải đối mặt. DN không thể tăng giá bán ngay, chỉ có thể thông báo cho khách hàng về khó khăn hiện tại để họ ưu đãi thanh toán sớm hơn cho DN, sau đó DN lại dùng tiền đó thanh toán cho các nhà cung cấp khác của mình.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định đặc biệt nhấn mạnh, từ nay đến hết năm, sản xuất gỗ của các DN cơ bản ổn định nhưng nguyên phụ liệu tiếp tục bị ảnh hưởng khi mức giá tăng lên. Đến thời điểm hiện tại, nhiều DN đã ký hợp đồng với khách giao hàng đến tháng 3, 4 năm sau nên dù chi phí tăng DN cũng phải chấp nhận.

“Các DN đang liên hệ trực tiếp với các nhà cung ứng, ưu tiên thanh toán sớm cho DN cung cấp nguyên phụ liệu. Thời gian tới, chi phí vận tải, logistics nội địa sẽ tăng do giá xăng dầu tăng, các DN ngành gỗ vẫn xác định phải chấp nhận, điều phối cho kịp thời để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tôi cho rằng, mấu chốt là DN phải sắp xếp sản xuất hợp lý theo kế hoạch cung ứng nguyên vật liệu để kịp cung ứng đơn hàng cho khách”, ông Thiện nói.

Dù DN toàn ngành đang phải nỗ lực vượt qua không ít khó khăn, song ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, từ tháng 10/2021, XK ngành gỗ đã có sự tăng trưởng trở lại rõ rệt. Với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu XK toàn ngành cả năm đạt 14,5 tỷ USD khá khả quan.

Các DN ngành gỗ cũng đã có những kế hoạch chiến lược để phục hồi sản xuất rất cụ thể, trong đó có lộ trình cho giai đoạn 3 tháng, cho giai đoạn 6 tháng và cho cả giai đoạn 12 tháng. “Những tháng cuối năm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN trong việc hỗ trợ tạo điều kiện với những chính sách của nhà nước đã ban hành; thông qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các DN trong quá trình sản xuất, chế biến và XK gỗ, đặc biệt là Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định.

Theo Báo Hải quan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin