Phối hợp triển khai nhiều giải pháp đảm bảo việc cung cấp điện trong thời gian tới
Ngày 22/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty về tình cung cấp năng lượng cho nền kinh tế.
Cuộc họp tập trung vào việc tìm các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là cung ứng điện trong các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và tháo gỡ khó khăn, tăng cường hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), dự kiến 8 tháng đầu năm tổng khối lượng than TKV cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện đạt khoảng 27,5 triệu tấn, bằng 71,4% khối lượng hợp đồng và bằng 116% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 3,8 triệu tấn). Dự kiến 4 tháng cuối năm, khối lượng than cho các nhà máy nhiệt điện khoảng 12,6 triệu tấn, bằng khoảng 104,3 % hợp đồng (tăng khoảng 1,6 triệu tấn) và bằng 114,7% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng khoảng 5,0 triệu tấn so với năm 2022).
Về kế hoạch năm 2024, TKV và Tổng công ty Đông Bắc dự kiến cung cấp than cho sản xuất điện là 56,48 triệu tấn. Đối với các nhà máy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), TKV cung cấp 20,35 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cung cấp 8,35 triệu tấn.
Tại cuộc họp, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết: 7 tháng năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu hệ thống đạt 160,58 tỷ kWh, tăng 1,8 % so với cùng kỳ năm 2022. Theo tính toán cập nhật của EVN, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (từ tháng 8 - 12/2023) khoảng 121,8 tỷ kWh, tăng trưởng 9,9% so với cùng kỳ 2022. Như vậy, lũy kế cả năm 2023 ước đạt 282,66 tỷ kWh, tăng 5,3% so với năm 2022, đạt 99,4% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Để đảm bảo cân đối cung – cầu điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 , EVN đang tập trung vào các giải pháp như: đảm bảo độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy của EVN và các đơn vị thành viên; làm việc với TKV, Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)/Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) để đảm bảo đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống; lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao để đạt công suất thiết (nhất là khu vực miền Bắc) ở thời điểm cuối mùa khô năm 2024 một cách tối ưu theo quy định...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện PVN cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn hoàn thành và vượt mức kế hoạch từ 3 - 28% hầu hết các chỉ tiêu sản xuất; một số chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 gồm: sản xuất điện tăng 62,3%; sản xuất xăng dầu tăng 5,4%; khai thác khí tăng 0,6%; LPG tăng 1,6%... Tuy nhiên, do mức độ suy giảm của giá dầu nên doanh thu toàn Tập đoàn giảm 9,0%, nộp ngân sách nhà nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 5 tháng…
Tại cuộc họp, Tập đoàn EVN, TKV, PVN, Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ và đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, giải quyết.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: an ninh năng lượng có vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Chính phủ, Bộ Công Thương đã có rất nhiều cuộc họp, chỉ đạo về vấn đề này.
Bộ trưởng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty không được để thiếu điện, thiếu than, thiếu xăng dầu, khí đốt phục vụ nền kinh tế. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng phải tăng cường hơn nữa trong hợp tác và chia sẻ; chủ động tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị đảm bảo cung nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế. Đến tháng 10/2023, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành hợp đồng nguyên tắc về cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện của năm 2024. Các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong tham mưu và trong chỉ đạo điều hành.
Đề nghị EVN, PVN, TKV chỉ đạo các nhà máy điện trong việc đảm bảo nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất điện, thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng để nâng cao độ khả dụng của các tổ máy; riêng EVN phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng đầu tư các dự án nguồn và lưới...
Bộ trưởng cũng đề nghị Petrolimex phải quyết liệt chỉ đạo hệ thống kinh doanh của tập đoàn, đảm bảo không để đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống; chủ động nhập khẩu xăng, dầu đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Đối với các cơ quan trực thuộc Bộ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu tăng cường giám sát các hoạt động của tập đoàn, tổng công ty; tiếp tục tham mưu giải quyết các kiến nghị đề xuất của các tập đoàn, tổng công ty cũng như rà soát sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng cho phép điều chỉnh giá điện theo thực tế.
Đình Tú