|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những giải pháp căn cơ nhằm chấm dứt tình trạng chảy máu tài nguyên khoáng sản

Để tránh "chảy máu" tài nguyên khoáng sản, thất thoát ngân sách, Bộ Công Thương đã có những giải pháp thiết thực nhằm chấm dứt tình trạng này.

Chấm dứt tình trạng chảy máu tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản là vốn quý của quốc gia, dân tộc. Nhiều nước trên thế giới nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, luyện kim, tạo ra hàng hóa xuất khẩu có giá trị, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc khai thác ồ ạt, xuất khẩu khoáng sản thô gây thất thoát, chảy máu tài nguyên nghiêm trọng, không những thế việc này còn để lại nhiều hậu quả: Ô nhiễm môi trường, khoáng sản cạn kiệt...

Những giải pháp căn cơ nhằm chấm dứt tình trạng chảy máu tài nguyên khoáng sản

Bộ Công Thương đã có những giải pháp thiết thực nhằm chấm dứt tình trạng chảy máu tài nguyên khoáng sản

Đảng và Nhà nước nhất quán quan điểm khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả; không xuất khẩu khoáng sản thô. Thực hiện chủ trương này, Bộ Công Thương từ năm 2012 đến nay đã ban hành hoặc trình ban hành các văn bản pháp luật quy định về xuất khẩu khoáng sản theo hướng nâng cao tiêu chuẩn khoáng sản chế biến trước khi xuất khẩu, đồng thời hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản thô.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc tiêu thụ một số loại khoáng sản gặp khó khăn, tồn kho với khối lượng lớn, nhiều mỏ phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng khai thác. Theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp dừng khai thác khoáng sản vẫn phải thực hiện việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm theo giấy phép đã được cấp. Với khó khăn của các doanh nghiệp khai khoáng nêu trên, các địa phương liên tục có văn bản kiến nghị cho phép các doanh nghiệp có khoáng sản tồn kho được phép xuất khẩu.

Trên cơ sở đó, năm 2020, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu tồn kho một số loại tinh quặng trong nước thực sự không có nhu cầu sử dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Khối lượng khoáng sản xuất khẩu này so với sản lượng khai thác hàng năm không lớn, và đã tồn kho nhiều năm do trong nước không có nhu cầu sử dụng. Do đó, việc xuất khẩu không gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trong nước cũng như không xảy ra hiện tượng chảy máu tài nguyên.

Đối với các vấn đề liên quan đến Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Bộ Công Thương đã có ý kiến tại Văn bản số 1103/BCT-CNNg ngày 14/02/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đánh giá các hệ lụy và giải pháp xử lý đối với việc dừng khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Do dự án vẫn còn nhiều vấn đề chưa được đánh giá một cách khoa học, thiếu căn cứ pháp lý nên chưa thể thống nhất phương án giữa các bên có liên quan để giải quyết dứt điểm dự án. Quan điểm của Bộ Công Thương là cần làm rõ các tác động và hệ lụy của việc triển khai các phương án đối với dự án trong thời gian tới, các rủi ro pháp lý cũng như phương án xử lý tài chính của dự án. Riêng đối với các vấn đề liên quan đến vốn, tài sản nhà nước tại dự án, Bộ Công Thương cho rằng đối với các bên tham gia dự án là các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn theo Luật Quản lý vốn nhà nước.

Đối với giải quyết vướng mắc tại các khu vực chồng lấn liên quan Quy hoạch bauxit trước kia, nay là Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương cần rà soát kỹ để điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất phù hợp cũng như rà soát xử lý những vướng mắc hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đối với trường hợp vượt thẩm quyền.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản, xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản theo hướng tái cấu trúc các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu thành dự án khai thác mỏ, chế biến khoáng sản có quy mô đủ lớn, gắn liền với nguồn nguyên liệu khoáng, có công nghệ tiên tiến giảm tổn thất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đảm bảo về môi trường..

Những giải pháp căn cơ nhằm chấm dứt tình trạng chảy máu tài nguyên khoáng sản

Bộ Công Thương đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đánh giá các hệ lụy và giải pháp xử lý đối với việc dừng khai thác Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng trong cấp phép khai thác khoáng sản để đảm bảo cân bằng cung cầu, tránh dư thừa khả năng khoáng sản trong nước. Gắn việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản với việc cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường, kịp thời ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép và xuất lậu khoáng sản.

Triển khai Quy hoạch Khoáng sản: Bộ Công Thương thực hiện 6 nhiệm vụ

Theo Luật Quy hoạch 2017, Bộ Công Thương đã tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch thực hiện quy hoạch tại Quyết định 333/QĐ-TTg ngày 23/4/2024. Bộ đã khẩn trương tổ chức triển khai với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan.

Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Công Thương có một số vai trò chủ yếu như sau:

Một là: Tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch khoáng sản đến các tổ chức, cá nhân để tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Hai là: Tổ chức rà soát rà soát Quy hoạch khoáng sản và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ 05 năm; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (nếu cần thiết) để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Ba là: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hiệu đính, cập nhật các nội dung liên quan trong quá trình triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg; đảm bảo không làm thay đổi mục tiêu, định hướng tổng quát của Quy hoạch; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hiệu đính, cập nhật Quy hoạch trong quá trình rà soát Quy hoạch khoáng sản theo định kỳ.

Bốn là: Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản, trong đó ưu tiên việc cấp phép khai thác khoáng sản gắn liền với dự án đầu tư nhà máy chế biến sâu giúp thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản.

Năm là: Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện cho các địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu là: Chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh nơi có khoáng sản tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản.

Bên cạnh đó, phân công trách nhiệm các Bộ trong quản lý Nhà nước về khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến để tạo ra sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp hạ nguồn (như từ quặng sắt thành sắt, thép phục vụ ngành cơ khí, giao thông, xây dựng...). Do vậy, hoạt động khai thác khoáng sản phụ thuộc nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp hạ nguồn (vật liệu, luyện kim, hóa chất...). Hiện nay, hoạt động chế biến, sản xuất, sử dụng, kinh doanh khoáng sản nhóm I, II đang được Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quản lý.

Hiện nay, hoạt động khoáng sản đã có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản. Việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các Bộ, ban, ngành đã được thực hiện một cách xuyên suốt, thống nhất. Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý việc điều tra, thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản; Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương quản lý việc khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản theo nguyên tắc kinh tế thị trường, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Đức Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết